Phận nghèo, cái chữ xa xôi

Bên chân đồi ở cuối thôn bán đảo Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi), tôi đã nghe và chứng kiến câu chuyện xót xa của một gia đình mà cả năm mẹ con đều…mù chữ. Đó là gia đình của chị Phan Thị Lan, 41 tuổi. Sức nặng của khổ nghèo đeo bám quanh năm đã khắc lên khuôn mặt chị những “dấu ấn” của một người già.

Tôi đến thăm căn nhà 20m2, được xã xây tặng gia đình chị từ Quỹ vì người nghèo. Nhà không cửa và khá trống trải. Chị mời tôi ngồi chỉ là mời…cho vui, chứ chẳng có cái ghế nào. Trong nhà hầu như không có gì đáng giá trừ cái ti vi cũ mèm mà theo chị, mỗi khi mở phải “đập, vỗ mấy cái” thì hình mới lên.


Năm mẹ con chị Lan đều mù chữ
Chồng chị Lan là Trần Đắc, nhỏ hơn chị 1 tuổi, quê Quy Nhơn (Bình Định).Không biết “cơn bão” nào trong đời đã đưa anh đến với cái làng này để gặp chị rồi lấy nhau bằng một “đám cưới” thật buồn: không cau trầu, không cỗ bàn, chỉ lèo tèo mấy người thân thích của chị Lan đến để “chứng nhận” cho một cặp vợ chồng mà quờ đâu cũng đụng phải bần hàn cơ cực. “Tui đã nghèo, ảnh còn nghèo hơn tui. Ảnh “làm hôi” cho một tàu cá (không phải là thuyền viên chính thức – NV). Thôi thì lấy nhau để tựa nhau mà sống qua ngày chớ biết làm sao!”. Chị Lan trò chuyện. Một cách thật thà, chị kể, nhờ biết “kế hoạch” nên dù lấy nhau đã 12 năm nhưng “chỉ có”…4 mặt con. Con gái đầu tên Phan Thị Kiểu, 14 tuổi, rồi lần lượt các em trai: Phan Văn Duyên, Phan Văn Hiểu, và nhỏ nhất là Phan Văn Tấn; mỗi đứa lần lượt cách đều nhau 3 tuổi. Chị Lan hồn nhiên: “Anh thấy tui “canh me” giỏi hông? Đứa nọ cách đứa kia vừa tròn 3 năm”. Chị không hề để ý đến cái nhíu mày thoáng qua của tôi và dĩ nhiên chị cũng không thể đọc được trong tôi dòng suy tưởng: “Chị ơi, tròn 3 năm kiểu này rồi sẽ “méo” cả  đời chúng nó đấy”. Hỏi vì sao cha họ Trần nhưng bầy con chị đứa nào cũng “Phan”, chị tròn mắt : “Chớ ảnh là dân “lậu”, hồ sơ thiếu lung tung, ai cho nhập hộ khẩu địa phương? Tui là chủ hộ nên mấy đứa con phải mang họ mẹ chớ”. Chị cầm…ngược quyển sổ hộ khẩu đưa cho tôi. Quả thật tôi không thấy cái tên Trần Đắc đâu cả. Rồi chị khoe với tôi rằng, nội nhà chỉ mình chồng chị là có chữ nhiều nhứt. Tôi tò mò: “Anh học đến lớp mấy rồi, chị?”. Chị cười: “Cũng hổng biết nữa, tui chỉ thấy có một lần ảnh đọc giùm bức thư cho bà già hàng xóm”.

Đến đầu thôn Thạnh Đức, chỉ cần hỏi thăm nhà chị Lan là ai cũng biết bởi đó là gia đình nghèo…điển hình.  Anh đang lênh đênh trên tàu cá ở vùng biển Đà Nẵng, nửa tháng mới về nhà một lần cùng số tiền khoảng 3 trăm ngàn chủ thợ chia cho. “Mà không phải tháng nào cũng vậy - Chị Lan ngậm ngùi kể -  có tháng đói meo hổng có đồng nào, có năm ảnh làm suốt 10 tháng (trừ 2 tháng biển động – NV) mà chủ chỉ trả khoảng trên dưới một triệu”. Mức thu nhập như thế thì không phải chạm sàn mà là…dưới đáy thì đúng hơn. Trong câu chuyện lan man về gia cảnh, chị Lan luôn dắt tôi đi vào những ngõ buồn, những góc tối trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ của chị. Buổi sáng, chị tất tả ra bến thuyền, chen lấn, xô đẩy để mua “khống” (không trả tiền ngay) mớ cá tươi và phải chạy cho đúng buổi chợ đông để bán. Mỗi lần như thế chị kiếm được khoảng từ 10 đến 15 ngàn đồng. Mua mấy lon gạo, mớ rau và một ít cá vụn rẻ tiền, chị chạy vội về nhà nấu cơm, rồi cùng bé Kiểu, mỗi người một rựa, lên đồi quơ củi. “Ham của rừng rưng rưng nước mắt”. Chị không ham, nhưng nghèo túng như chị làm sao mơ nổi bếp điện, bếp ga? Nhìn hai mẹ con khó nhọc leo qua con dốc, tôi chạnh nhớ đến câu ca dao buồn: “Sớm mai lên núi quơ củi đốt than / Chiều về xuống biển đào hang bắt còng”.

Chiều muộn. Mấy đứa con chị Lan từ trường tiểu học gần đấy, áo quần nhếch nhác, mặt mũi lem luốc kéo nhau về. Chị Lan kể: chúng thường lấp ló bên ngoài tường rào, thèm thuồng nhìn vào lớp học, nơi có lũ bạn cùng lứa đang đọc bài, tập viết, tập vẽ…Chị nói, đôi mắt đầy ánh hoàng hôn: “Đời tui coi như cho qua, chỉ mong con cái ăn no, mặc lành, được đi học là tui vui lắm rồi”. Nghe vậy ai mà không cảm thấy xót xa? Sẽ ra sao mai này với những tuổi thơ hiện đang còi cọc, không thầy cô, không sách vở? Thật buồn khi các cháu gần trường mà xa chữ. Nếu không có một cơ may nào, chắc chắn đường đến trường của mấy đứa con chị Lan và người cha ròng rã xa khơi kia sẽ nối dài những mịt mờ xa thẳm.
Bài và ảnh: Trần Cao Duyên

PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI ĐỌC:

Lý Thanh Hoài (thanhhoi144@gmail.com - Phổ Ninh, Đức Phổ): đọc bài "Phận nghèo ,cái chữ xa xôi" của Trần Cao Duyên tôi cứ băn khoăn là ai ngăn cản những đứa con của chị Lan để "chúng thường lấp ló bên ngoài tường rào, thèm thuồng nhìn vào lớp học, nơi có lũ bạn cùng lứa đang đọc bài, tập viết, tập vẽ…" Trong khi học Tiểu học thì đâu có tốn học phí? Nhà chị Lan lại gâng trường. Vậy tại sao chị không cho những đứa con của chị đị học ? Trong khi hằng ngày nó vẫn đến trường, nó đều có giấy khai sanh.?

Trả lời của Trần Cao Duyên (tác giả bài viết): cám ơn anh Hoài đã quan tâm đến bài viết. Tôi cũng đã có những băn khoăn như anh. Nhưng khi người ta quá túng bấn và nghèo khổ thì người ta không nghĩ đến cái chữ mà chỉ nghĩ đến manh áo chén cơm. Đây là một hệ lụy của cái nghèo. Tiểu học tuy không tốn học phí nhưng vẫn có hàng chục "phí" khác đeo bám, ám ảnh những người như chị Lan đó anh. Mong nhận được sự chia sẽ của anh.

Lý Thanh Hoài (thanhhoi144@gmail.com - Phổ Ninh, Đức Phổ): tôi đồng ý với bạn "Khi người ta quá túng bấn... hàng chục phí khác đeo bám". Tuy nhiên , tôi cũng biết rằng như gia đình chị Lan nghèo và được địa phương xây cho nhà ở, vậy thì chị tất phải chị có sổ hộ nghèo. Mà có sổ hộ nghèo thì các loại phí như anh nói sẽ được miễn giảm. Vậy thì quỹ thời gian mà các cháu bé ,con chị Lan đến trường hàng ngày nhìn qua cửa sổ mà thèm thuồng cái chuyện học, tại sao các không được ai đó giúp đỡ để được vào lớp? Chị Lan, anh Đắc mù tịt về cái chuyện nầy đã đành. Còn những người khác có trách nhiệm về cái sự học của các em nữa chứ. Cả xã hội đều có trách nhiệm với sự học của các em chứ đâu chỉ riêng cha mẹ các em? Bài viết của bạn, tôi nhận thấy ở đó một điều xót xa quá, chua chát quá. Và bài viết chỉ dừng lại ở đó nên tạo ra một sự bế tắt quá. Do vậy,đối với quan điểm giáo dục của Đảng, với vai trò của một nhà báo tôi nghĩ TCD có thể tư vấn cho chị Lan , làm việc với những cơ quan chức năng như nhà trường, Hội khuyến học xã, Ban thương binh- xã hội... giúp cho cá em được đến trường thì quả là việc nên làm, cần làm và nhất là... có thể làm được. Rất mong đọc được bài" Phận nghèo, cái chữ... không xa xôi" trong một tương lai không xa.

Ban biên tập sahuynh.net: ngay sau khi gửi bài viết về cho ban biên tập, tác giả bài viết Trần Cao Duyên đã không chỉ email mà còn nhiều lần gọi điện cho chúng tôi trăn trở tìm cách để giúp đỡ gia đình chị Lan. Chính tác giả bài viết đã chuẩn bị một số quần áo để tặng cho những đứa con chị Lan. Ban biên tập sahuynh.net đã cùng thống nhất với tác giả Trần Cao Duyên sẽ kêu gọi xây dựng 1 quỹ trước mắt sẽ giúp đỡ để đứa con nhỏ của chị Lan sẽ vào lớp 1 trong năm học tới và lâu dài sẽ giúp đỡ những hoàn cảnh tương tự cũng như trao các suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, đây cũng là hướng mà chúng tôi cùng với hội khuyến học xã Phổ Thạnh đã thực hiện trong dịp tổ chức giải bóng đá mừng xuân 2010 vừa qua.

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046