Lời giới thiệu

Sa Huỳnh trong quá khứ - Sa Huỳnh trong hiện tại- Sa Huỳnh trong tương lai…Nghe xa lắc xa lơ giữa mù mịt thời gian “phi kết nối”. Nhưng từ trong “Tâm thức Sa Huỳnh”, tiếng vọng của lịch sử, những âm thanh của cuộc sống hôm nay và nhịp bước của tuổi trẻ về phía ngày mai vẫn có những giao thoa, những lan tỏa lặng lẽ nhưng không kém phần tươi tắn, nồng nàn như “ nắng lên Đá Bia, nắng về núi Cấm” (thơ Phạm Ngọc Hưng).

Dưới góc nhìn của người dân thôn Thạch By (Phổ Thạnh), Sa Huỳnh là một làng chài hình chiếc nôi mà “thần biển” đã…bỏ quên bên dải cát vàng sau chuyến du hành dọc bờ biển xanh màu ngọc bích. Xa hơn một chút, Sa Huỳnh được coi là vùng duyên hải uốn lượn hình cánh cung bắt đầu từ gò Ma Vương (Long Thạnh- Phổ Thạnh) đến Hang Én (Vĩnh Tuy- Phổ Châu)- vùng đất cực nam của Huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Và dưới tầm nhìn của những nhà khảo cổ học, Sa Huỳnh là hình thể của không gian văn hóa rộng lớn mà trung tâm là di chỉ gò Ma Vương, nơi lần đầu tiên, năm 1909, nhà khảo cổ học M. Vinet (Pháp) đã khai quật những ngôi mộ chum với khá nhiều công cụ lao động và đồ trang sức tinh xảo. Và cũng lần đầu tiên, trên bản đồ khảo cổ Việt Nam xuất hiện giòng chữ Dépot à Jarres Sa Huynh (kho chum Sa Huỳnh), đánh dấu một nền văn hóa dọc miền Trung được biểu diễn trên trục Bình Thuận- Sa Huỳnh- Quảng Bình. Từ đó, “Văn hóa Sa Huỳnh” (miền Trung) cùng với “Văn hóa Đông Sơn” (miền Bắc) và “Văn hóa Óc Eo” (miền Nam) tạo nên vùng “tam giác Văn hóa” trên bản đồ đất nước.

Dù nói đến Sa Huỳnh ở góc độ nào, phạm vi nào thì người Sa Huỳnh vẫn nghĩ quê mình chỉ là một làng nhỏ như cánh buồm, căng phồng bên gió biển. Hình ảnh ấy gợi lên những chuyến hải hành xa tít tắp trùng khơi của những chàng trai ngực trần cuộn lên hình ngọn sóng. Và không chỉ là những chuyến hải hành, tuổi trẻ Sa Huỳnh từ thập niên 80 của thế kỷ trước đã làm nên những chuyến “bộ hành” trên khắp ngả đường thiên lý Bắc- Nam, đã xác lập cuộc sống vững vàng trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhớ quê, người Sa Huỳnh tìm nhau ngồi bên chén rượu và nhắc nhớ những kỷ niệm xóm quê. Đó là hình ảnh con đường làng phơn phớt đỏ màu hoa hút mật để chàng trai nào hơn một lần thầm nghĩ đến làn môi người yêu dấu; có khi là mái trường thân thương bạc thếch nắng mưa nhưng ngọt ngào nghĩa thầy tình bạn; có khi là tán bàng xanh thắm rợp mát góc chợ quê nhà; cũng có khi nhớ đến nao lòng bãi cát vàng mơ bên rặng phi lao chiều nào rì rào trong gió biển…

Và bây giờ, thêm một cách xoa dịu nỗi nhớ quê nhà khi những đêm khuya một mình lướt web, bắt gặp cái tên thân thuộc SA HUỲNH. Không còn là một cuộc hành hương về nguồn trong tâm tưởng mà là một cuộc hành hương sống động trên từng giòng chữ, từng hình ảnh, từng nốt nhạc, từng câu thơ…Các bạn sẽ đắm mình trong không gian văn hóa Sa Huỳnh qua những hình ảnh được sưu tầm từ trong những lớp bụi mờ năm tháng, sẽ gặp lại hương đất và tình người Sa Huỳnh tha thiết, thủy chung, sẽ đọc và trao đổi, sẻ chia những tâm tư, tình cảm, những dự định, khát khao, những ước mơ, những hướng đi trong tương lai của tuổi trẻ Sa Huỳnh. Đâu đó trên trang web, các bạn cũng sẽ gặp hương vị Sa Huỳnh qua mục thắng cảnh, tham quan, ẩm thực…Các bạn cũng có thể nắm bắt tin tức quê nhà được cập nhật thường xuyên…Đó chính là những mục tiêu của những người xây dựng trang web này.

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046