Nơi làm nên những con tàu rẽ sóng vươn khơi

Vươn khơi đánh bắt hải sản là ước muốn của nhiều ngư dân. Và những chiếc tàu đánh cá có công suất lớn mới đủ sức vươn tới những ngư trường xa. Trong những năm qua, Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh (Đức Phổ) là nơi đóng mới hàng chục chiếc tàu như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản của ngư dân.

Vươn khơi bằng những con tàu lớn

Với 2 chiếc tàu cá có tổng công suất trên 700 CV, ngư dân Nguyễn Mận ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ hành nghề giã cào ở vùng biển phía Bắc. Mỗi chuyến ra khơi, anh và những bạn chài phải ở trên biển với khoảng thời gian trên dưới 40 ngày mới trở về đất liền. Nhưng hiện tại một chiếc đang bị hư hỏng ở phần mũi, nên anh phải đưa tàu từ vùng biển Đà Nẵng về bến Sa Huỳnh để sửa chữa. Anh cho rằng, sửa chữa tại đây tàu của anh sẽ chắc chắn hơn, đảm bảo cho những chuyến hành trình dài ngày trên biển. Bởi vì, những người thợ ở đây có tay nghề cao, lại cẩn thận trong công việc. Anh thường bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu rồi thuê thợ sửa chữa, nhưng cũng có khi anh giao hẳn việc sửa chữa cho Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh. Cả hai chiếc tàu của anh trị giá trên 3 tỷ đồng đã được đóng mới tại đây.


Một chiếc tàu cá đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: Trần Cao Duyên

Ngư dân Võ Tiếp cũng ở xã Phổ Thạnh, sở hữu 4 chiếc tàu với công suất từ 350 – 450 CV, hành nghề giã cào ở ngư trường cách đất liền từ 130 – 180 hải lý. Tất cả những chiếc tàu của ông đều được đóng tại Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh. Hiện tại, ông đang đóng mới chiếc tàu cho người con mình có công suất 450 CV với khoản kinh phí gần 1,8 tỷ đồng. Nhìn chiếc tàu có chiều dài hơn 23 m và bề ngang rộng 7,4 m, với trang thiết bị hiện đại thì bất cứ ngư dân nào cũng đều mong muốn được sở hữu nó để thỏa sức vẫy vùng giữa biển khơi. Trong hàng chục năm trời gắn bó với biển, bản thân ông Tiếp đã nhiều lần đối mặt với những trận cuồng phong mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Những lúc như thế, ngoài sự may mắn còn có sự bình tĩnh của tất cả mọi người và độ bền chắc của con tàu mới mong thoát nạn. Do vậy, việc đóng mới những con tàu luôn được ông giao cho những người thợ của Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh.  

Nặng lòng với những con tàu

Dưới cái nắng bỏng rát của buổi trưa mùa Hạ, những người thợ ở đây vẫn mải miết với công việc của mình. Không khí lao động như khẩn trương hơn bên những chiếc tàu sắp hoàn thành. Đưa tay trát keo vào thân của chiếc tàu có công suất đóng mới 450 CV, một người thợ tên Vũ cho biết, chỉ còn hơn 10 ngày nữa chiếc tàu này sẽ được hạ thủy để vươn ra khơi xa. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều công đoạn cần phải được hoàn thành. Do vậy, anh và những người bạn của mình đang tranh thủ chạy đua với thời gian để hoàn tất những khâu cuối cùng, nhưng không phải vì thế mà được phép để xảy ra sai sót, dù là những lỗi nhỏ nhất. Bởi vì, đó là điều kiện thiết yếu để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi. Với thâm niên gần 10 năm trong nghề, anh đã tham gia đóng hàng chục chiếc tàu. Cứ mỗi chiếc tàu được hạ thủy và rẽ sóng vươn ra khơi thì trong anh luôn có cảm giác như phải đưa tiễn người thân đi xa và đứng nhìn theo cho đến khi khuất bóng.

Ông Nguyễn Thảo, người đã có gần 30 năm gắn bó với nghề cho biết: Trước đây, những công đoạn từ việc xẻ gỗ, khoan, đục, bào láng đều phải thực hiện bằng tay, nên người thợ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại thì công việc đã bớt đi phần nào vất vả do có sự hỗ trợ của máy móc. Khoảng thời gian hoàn thành việc đóng mới một chiếc tàu cũng được rút ngắn xuống chỉ còn 3 – 4 tháng, thay vì từ 5 – 6 tháng như trước đây. Và cứ mỗi lần tham gia đóng mới 1 chiếc tàu, ông luôn thực hiện các công đoạn rất cẩn thận như đang đóng chiếc tàu cho chính mình. Đối với ông thì cái nghề này đã “nhiễm vào máu” nên rất khó có thể rời xa được. Vì không có điều kiện vẫy vùng giữa biển khơi, nên ông chỉ biết gửi gắm tình yêu biển của mình qua những con tàu với hy vọng là nó đủ sức vượt qua phong ba bão táp.

Cũng chính từ những người thợ tâm huyết với nghề, nên uy tín của Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh ngày càng được khẳng định. Không chỉ riêng anh Mận và ông Tiếp, mà trong những năm vừa qua đã có nhiều ngư dân ký hợp đồng với Hợp tác xã để đóng mới, sửa chữa và cải hoán tàu cá của mình. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân còn thuê bến bãi để đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Không chỉ có ngư dân xã Phổ Thạnh mà còn có nhiều ngư dân ở những địa phương khác cũng đến đây để hợp đồng đóng mới và sửa chữa tàu.

Theo ông Lê Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Với hơn 80 bạn thợ, trung bình hàng năm có khoảng 10 chiếc tàu được đóng mới và trên 300 chiếc được sửa chữa, nâng cấp để phục vụ việc khai thác hải sản của bà con ngư dân. Tuy nhiên, việc đóng mới và sửa chữa tàu thuyền ở đây đang gặp khó khăn do trong thời gian gần đây cửa biển Sa Huỳnh bị cát bồi lấp khá nhiều, tàu thuyền ra vào rất dễ gặp tai nạn. Do vậy mà nhiều phương tiện có công suất lớn đành phải cập bến để sửa chữa ở những nơi khác. Nhiều ngư dân rất mong muốn đưa tàu về đây để thuận tiện cho việc bảo trì, sửa chữa và có điều kiện gần gũi gia đình nhưng không thể thực hiện được. Chính quyền các cấp cần nhanh chóng có giải pháp khơi thông cửa biển Sa Huỳnh để đáp ứng những mong muốn chính đáng của bà con ngư dân - ông Thành đề nghị.

Trang Thy
(Đài truyển thanh Đức Phổ)

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046