Giải pháp nào cho việc thông luồng cửa biển Sa Huỳnh?


Ông Phan Huy Hoàng - PGĐốc Sở
kiểm tra tình hình thực tế
bồi lấp cửa biển Sa Huỳnh
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thủy sản vùng cửa biển Sa Huỳnh, từ năm 2005, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư Dự án Thông cửa biển và xây dựng cảng cá Sa Huỳnh. Dự án đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục dưới nước và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2009. Các hạng mục của dự án gồm: kè dọc luồng, đê chắn cát, luồng vào (dài 1,9 km, rộng 30 m, sâu 4 m), bến cá dài 260 m, với tổng giá trị công trình trên 30 tỷ đồng.

Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng do Ban Quản lý (BQL) các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) quản lý, khai thác. Bến cập tàu thuận lợi cho việc bốc dỡ hải sản đánh bắt và cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ cho đánh bắt; luồng ra vào cảng được nạo vét sâu, rộng rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng, với lượng tàu thường xuyên ra vào cảng trên 1.000 chiếc mỗi năm…Nhờ đó đã tạo điều kiện cho nghề biển tại Sa Huỳnh ngày càng phát triển, nhiều tàu thuyền với công suất lớn trên 90CV đã được ngư dân đóng mới, phục vụ cho đánh bắt khơi xa; đi kèm với đó là thúc đẩy hoạt động dịch vụ hầu cần nghề cá, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, sau 2 năm đưa vào sử dụng, luồng vào cảng cá đã tái bồi lấp nặng tại vị trí tiếp giáp với kè dọc luồng (đối diện với Trạm Biên phòng Sa Huỳnh). Theo BQL các cảng cá và Khu neo đậu trú bão tàu cá, diện tích bồi lấp khoảng 1.000 m2, với khối lượng cát bồi lấp khoảng 4 nghìn m3. Do bị bồi lấp, tim luồng được nạo vét từ dự án trước đã bị biến đổi, dịch chuyển về phía khu dân cư làm cho cụm đá ngầm nằm ở rìa luồng trước đây nay trở thành giữa luồng (cụm đá ngầm ước khoảng 150m3). Tình trạng đó gây cản trở lớn cho tàu thuyền ra vào luồng, nhiều tàu thuyền thường xuyên bị va vào đá dẫn đến hư hỏng phải năm bờ, gây thiệt hại lớn cho tài sản của bà con ngư dân. Luồng vào ngày càng bồi lấp làm cho tàu cá công suất trên 90CV không ra vào được kể cả lúc triều cường. Chính vì vậy, các tàu có công suất lớn phải vào cập cảng ở các tỉnh ngoài hoặc vào cảng Sa Kỳ để tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận nhiên liệu phục vụ cho các chuyến biển khác. Thậm chí tàu có công suất dưới 90 CV, sau khi tiếp nhận nhiên liệu, đá lạnh, lương thực thực phẩm cho thủy thủ cũng khó khăn rời cảng đi đánh bắt lúc triều cường, nhiều chiếc thường xuyên cũng bị mắc cạn, hư hỏng phải thuê tàu khác đến kéo. Đặc biệt, trong dịp Tết Tân Mão năm 2011 vừa qua,  trên 550 chiếc tàu có công suất trên 90 CV không về cảng cá Sa Huỳnh để ăn Tết mà phải ở các nơi như cảng Tịnh Kỳ, ở thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu…; bà con phải chịu tốn kém chi phí thuê người giữ tàu. Hiện nay, mặc dù thời tiết rất thuận lợi cho đánh bắt hải sản, nhưng nhiều tàu có công suất dưới 90CV phải đợi thời điểm thuỷ triều cao nhất mới có thể ra khơi, trong khi họ đã lấy nhiên liệu, đá lạnh, các nhu yếu phẩm khác,…làm thiệt hại không nhỏ cho ngư dân.

Nguyên nhân làm luồng vào Cảng cá Sa Huỳnh bị bồi lấp và xuất hiện đá ngầm trở đi trở lại theo xác định ban đầu của BQL các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá là do: vùng đầm nước mặn Sa Huỳnh trong thời gian dài bị lấn chiếm để xây dựng khu dân cư và các công trình dân sinh khác nên diện tích mặt nước ngày càng thu hẹp lại (chỉ còn 50%). Do đó lượng nước thủy triều lưu thông với đầm giảm mạnh, dòng chảy không đủ mạnh đẩy cát ra khỏi luồng, gây nên tình trạng bồi lấp luồng; trong khi đê chắn cát được xây dựng ở giai đoạn 1 chưa đủ ngăn cát biển đưa vào luồng. Câu hỏi đặt ra là trước thực trạng trên: đâu là giải pháp khai thông cửa biển Sa Huỳnh ổn định và lâu dài?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: giải pháp trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị với tỉnh cho chủ trương phá các tảng đá ngầm và nạo vét đoạn luồng bị bồi lấp để phục vụ cho tàu cá đánh bắt thủy sản trong mùa vụ năm nay. Về giải pháp lâu dài, ông Hoàng nhận định: tỉnh cần đầu tư một dự án nạo vét, chỉnh trị luồng lạch, cửa biển toàn diện mang tính tổng thể; cần phải có những cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học, các trường, các Viện, nhà tư vấn khoa học về công trình biển cho các luồng lạch trên địa bàn tỉnh nói chung, cửa biển Sa Huỳnh nói riêng. Có như vậy việc đầu tư những luồng cửa biển trên địa bàn tỉnh mới phát huy tác dụng lâu dài.

Van Hung - www.quangngai.gov.vn

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046