Chợ chữ


Mùa tựu trường lại đến. Mùa…dạy thêm – học thêm cũng bắt đầu râm ran.

Chuyện dạy thêm- học thêm đã và đang diễn ra ở các cấp học từ nhiều năm qua. Chuyện không mới nhưng mỗi lần nhắc đến đều thấy lạ. Lạ ở chỗ xã hội phản ứng khá gay gắt nhưng ngành chức năng thì “…vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Một cặp vợ chồng doanh nghiệp trẻ lên kế hoạch cho hai con nghỉ hè ở Đà Lạt hai tuần nhưng chúng “tẩy chay” vì “tụi bạn đều học thêm, thầy dạy trước chương trình, không đi thì có nước “đội sổ”. Hơn nữa, không học thêm thì…“sợ” lắm. Thầy đó, trường đó chớ đâu, mình ở trong lồng, làm sao “tung cánh?”. Lời con trẻ có vẻ tù mù nhưng ai cũng cay đắng hiểu ngầm chúng “sợ” cái gì và ai đã triệt đường bay của chúng nếu chúng “bạo gan” không đến nhà thầy mỗi tuần vài buổi.

Nhà cô giáo cấp 2 dạy Toán ở một trường ngoại ô thành phố vừa thấp vừa chật. Gần hai chục học sinh mồ hôi nhễ nhại, bu quanh những cái bàn nhựa xỉn màu, vở nọ gối đầu lên vở kia. Cô ra đề, giảng qua loa rồi…làm công việc nhà. Học sinh nào giải nhanh thì giúp cô một tay, quét cái nhà, rửa cái chén, dọn gian bếp hoặc nhặt rau…cho “phải đạo”. Khoảng hơn một tiếng, cô chấm bài. Không ai dưới 7 điểm. Từng học sinh đặt 5 ngàn lên bàn (có đứa xếp tờ giấy bạc ngay ngắn, có đứa vo tròn hoặc xếp thành hình thoi, hình tam giác…) rồi giải tán cho nhóm khác vào học. Một ngày như thế, cô thu nhập được khoảng 500 ngàn. Vừa đếm tiền thành từng xấp một trăm, cô nhoẻn cười tỉnh bơ và nháy mắt với người bạn hàng xóm từ bên kia bờ rào: “Tiền trao cháo múc”.

Tại một trường THCS, trong cuộc họp HĐGV, thầy cô nào nêu ý kiến đề nghị BGH siết chặt quản lý các lớp học thêm theo tinh thần chỉ đạo của Sở để “hiệu chỉnh” hình ảnh của nhà trường, ví dụ như kiểm tra điều kiện bàn ghế, ánh sáng, nội dung chương trình, thời gian dạy…thì đều bị cho là “trâu cột ghét trâu ăn”! Mặc dù chỉ là câu thành ngữ có sẵn, dẫn ra cho thuận miệng, nhưng người nghe không hề thuận tai bởi hình ảnh “con trâu” xuất hiện trong ngữ cảnh khá tế nhị, không phù hợp với không gian sư phạm, con người sư phạm tí nào. Nét đẹp người thầy trở nên nhòa nhạt nếu không muốn nói là tệ hại đến méo mó.

Có thầy giáo cấp 3 trường huyện khi lên lớp hay chê văn ông này là văn “thông tấn”, chê thơ bà kia là thơ “con cóc”. Đến học thêm ở nhà thầy, học sinh được chép loại văn “tổng hợp”, thứ văn được “sáng tạo” từ công nghệ cắt dán (sách này một chút, sách kia một tí, gọi là “văn mẫu”). Thầy khá nghiêm cẩn, đạo mạo ở trường nhưng khi dạy thêm ở nhà thì rất…chân tình, bình dị. Thầy “xưng tao gọi mày” một cách bỗ bã với học sinh: “Bữa nay đứa nào vắng? Lý do? Tập trung chép bài đi, nói chuyện riêng, tao đập chết!”. Chưa kể thầy mặc bộ đồ tuềnh toàng khi giảng bài. Thầy nói ở trong nhà, lễ giáo làm quái gì, không khí gia đình, mặc thế cho mát. Học trò học thêm nhà thầy khá đông vì chúng không bị gò bó, thoải mái cười đùa và tán gẫu. Bởi không khí “thân thiện” nên học sinh rất “tích cực” chép bài. Hơn nữa, không học sinh nào vất vả hoặc gặp rắc rối gì về điểm khi học môn của thầy trong chính khóa. Tuy nhiên , những học sinh đã “vượt thoát” khỏi tầm ảnh hưởng của thầy, những học sinh đang ngồi ghế giảng đường kể lại, khi thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển vào đại học, chúng tìm chữ của thầy không ra. Nếu không tự trang bị cho mình kiến văn và kỹ năng xây dựng văn bản có lẽ chúng chỉ biết đứng trước cổng trường đại học mà ngậm ngùi, tiếc nuối. Thầy thường chỉ vào căn nhà bạc tỷ của thầy: “Từ chất xám mà có đấy”. Thầy cũng là người khá “kín đáo và tế nhị” khi thường đề cập đến bằng chứng nhận “giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh, “giấy phép dạy thêm” của sở trong các cuộc họp PHHS!

Đã có cầu ắt có cung. Loại hình dạy thêm - học thêm, tạm gọi là “chợ chữ” hình thành từ quy luật này. Có lẽ do quá chuyên tâm, quá bận rộn với phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên ngành chức năng đã và đang thả nổi “chợ chữ”, để diễn ra không ít những lọc lừa, dối trá, những hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Câu chuyện “chợ chữ” xem ra là câu chuyện…hình tròn, vì nó cứ loanh quanh, vòng vo mãi mà không có đường ra.

Trần Cao Duyên

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046