Bông hoa miền biển

Dọc theo những triền cát của xã Phổ Thạnh có một loài thảo mộc mà người dân nơi đây quen gọi là cây hoa nở ngày. Theo sách “ Thuốc và vị thuốc Việt Nam ” của giáo sư Đỗ Tất Lợi thì đó là cây dừa cạn ( tên khoa học : Ca tharan thus Roseus ). Cây nở ngày có hai loài: một loài cho hoa màu trắng, một loài cho hoa màu hồng pha sắc tím. Không công gieo trồng, không công chăm bón; hạt tự nảy mầm, hút lấy khí trời, chắt chiu từng giọt sống từ đất cằn mà tự trưởng thành trong nắng nôi và gió cát.Rồi đến một ngày, cả triền, cả bãi bỗng rực lên một màu hoa, màu hồng tím trườn ra tận biển.

Cây nở ngày là hình ảnh tượng trưng cho đức tính cần cù, tích cóp - Những đức tính cơ bản là nguyên nhân của mọi sự thành đạt và trường cửu. Ngạn ngữ Ấn Độ cũng có câu:
“ Kiên định và bền bỉ là nguyên nhân của mọi thành công”.

Bởi vậy trong dân gian có câu ca rằng:
“ Ai giàu, ai có mặc ai
Chắt chiu như bụi nở ngày vẫn hơn”.


Hoa nở ngày mọc trên triền cát

Hình ảnh về sắc màu  và tính cách của một loài hoa đẹp cứ ám ảnh trong tôi, khiến tôi liên tưởng về sự vượt khó đi lên của một đơn vị trường học đóng trên dịa bàn xã nhà: Trường Tiểu học số I Phổ Thạnh.

Trước ngày giải phóng, xã Phổ Thạnh chỉ có hai trường tiểu học: Trường Phổ Thạch A và Trường Phổ Thạch B. Mỗi trường có 3 phòng học, 6 lớp, 200 học sinh. Trường Phổ Thạch A xây dựng hàng chục năm về trước nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trường Phổ Thạch B tuy mới xây dựng nhưng không đảm bảo chất lượng nên cũng đã có nhiều hư hỏng nặng.

Cuối tháng 3 năm 1975, xã Phổ Thạnh hoàn toàn giải phóng. Cùng với công tác tiếp quản chính quyền cách mạng, công tác tiếp quản sự nghiệp giáo dục cũng được thực hiện. Toàn bộ bộ máy quản lý  và lực lượng giáo viên giảng dạy ở hai trường Phổ Thạch A và Phổ Thạch B dưới chế độ Sài Gòn đều di tản hết không còn một ai. Công việc của tổ tiếp quản giáo dục lúc bấy giờ ( do đồng chí Nguyễn Văn Đàm làm tổ trưởng ) phải bắt đầu từ con số không. Các thanh niên có trình độ học vấn được vận động ra đứng lớp. Học sinh được thông báo đến trường. Năm học 1974 – 1975 kết thúc tốt đẹp.

Năm học 1975 – 1976 thực hiện chủ trương của Đảng : “ Nơi nào có nhà dân , nơi ấy có lớp học ” và  
“ Một Hội đồng hai nhiệm vụ ”. Xã Phổ Thạnh lúc bấy giờ có mười hai thôn, Từ Long Thạnh 2 đến Vĩnh Tuy, thôn nào cũng mở trường, mở lớp, dù là nhà tranh vách đất.

Mới giải phóng, hậu quả chiến tranh còn đó ngổn ngang, nhân dân lưu lạc nhiều nơi vừa mới trở về, cuộc sống không lấy gì dư dật. Do vậy việc trường lớp mở ra đồng loạt không tránh khỏi những khó khăn to lớn. Bàn ghế cho học sinh chỉ có thể là tấm ván, khúc gỗ kê bằng cục đá, nọc tre. Bảng đen là tấm vải bạt đính vào vách đất gồ ghề. Giáo viên phải đứng suốt buổi dạy...

Trong bối cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, những vết đạn pháo toang hoác trên tường, những hố bom nham nhở trên đồng, trên bãi, những đầu đạn, vỏ đạn lăn lóc trên đường đi, những căn nhà cột kèo còn vết cháy sém, những thân dừa cụt ngọn đứng trơ vơ... Sự hớn hở của các em trong bước chân đến lớp, đến trường, ánh đèn dầu loé sáng trong đêm trên đường đến lớp học bình dân đã làm nên sức sống mới đầy niềm tin và háo hức hướng tới tương lai . Đến hôm nay, sau ba mươi năm, trường Tiểu học số I Phổ Thạnh đã hoàn toàn lột xác. Một ngôi trường khang trang tầng hoá đứng đĩnh đạc bên bờ đại dương quanh năm sóng vỗ như thách thức với mọi bão dông  trong cuộc sống đời thường.


Tiền sảnh Trường Tiểu học số I Phổ Thạnh 

Nhà trường có thư viện được công nhận là thư viện chuẩn theo Quyết định 01/ 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 3687  quyển sách  cho giáo viên và học sinh mượn đọc. Đội viên sinh hoạt nghi thức, thể dục múa hát tập thể trên một khoảng sân rộng đúc xi – măng sạch sẽ. Thế hệ học sinh hôm nay của trường được hưởng thụ những điều kiện học tập tốt nhất từ trước đến bây giờ. Sân trường có ghế đá, bóng cây cho các em ngồi chơi thư giãn. Có nhà vệ sinh riêng cho nam nữ thuận bề sử dụng. Các phong trào do ngành Giáo dục phát động , thầy và trò đều hưởng ứng hăng say. Hằng năm, qua mỗi hội thi đều đạt nhiều giải cao, góp phần thúc đẩy cho phong trào thi đua hai tốt “ Dạy tốt- Học tốt”.

Đội ngũ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi ngày càng tăng. Trường đã mở được sáu lớp bán trú học hai buổi trên ngày. Những năm gần đây,  năm nào trường cũng đều được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi  khen thưởng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và tháng 7 năm 2005 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001- 2006.

Nhiều lớp cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo đã công tác, giảng dạy tại mái trường này. Chính họ đã góp tay làm nên từng bước trưởng thành cho nhà trường qua từng năm tháng. Họ như cây hoa nở ngày: đã xác  định chỗ đứng của mình là cứ kiên trì, bền bỉ, chịu khó, chịu thương; không dao động, nản lòng dù những năm tháng đã qua từng có một thời đời sống của người thầy vô cùng khốn khó.


Múa tập thể sân trường

Đến nay trong số họ người còn, người  mất, người đi xa, người thành đạt, người gặp cảnh không may..., thay vào đó là đội ngũ trẻ được đào tạo chính quy, năng nổ, nhiệt tình tiếp tục chăm lo và làm phát triển thêm lên những gì đã xây đắp được.


Trong thư viện nhà trường

Nếu như loài hoa nở ngày của thế giới thực vật mỗi năm chỉ một lần nở hoa thì ngôi trường Tiểu học số I Phổ Thạnh là cây nở ngày, hoa nở suốt tháng quanh năm. Đó là bông hoa biểu trưng cho miền quê cát vàng, sóng biếc rất đỗi mến thương này.
Nguyễn Thị Ngọc Mai

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046