Bánh nổ nếp ngự

Công việc đồng áng đã xong xuôi, nhà nông “cúng lên đồng” từ độ rằm tháng Mười một. Bây giờ đã là rằm tháng Chạp. Lúa đang thì con gái phơi phới dưới mưa xuân. Những đợt gió mùa Đông Bắc kèm theo cái lạnh tràn về rong chơi trên đồng cùng khắp nẻo đường quê, ngõ xóm. Cái lạnh không còn cắt buốt thịt da mà càng làm đậm đà thêm phong vị Tết.

Những cái chảo gang to bự được mang ra vệ đường, kê trên mấy cục đá. Mấy cái chòi che sơ sài bằng vài tấm tranh nhằm chắn gió. Đó là các địa điểm rang nổ. Buổi sáng, các bà các chị đi chợ hoặc làm một vài công việc lặt vặt nào đó; buổi chiều bưng từng thúng thóc nếp đến đây rang nổ.Trong lúc chờ đợi đến phiên mình, họ chọn một chỗ ngồi ấm và câu chuyện của họ bắt đầu nói đến Tết.

-Tết năm nay chị rang mấy giạ?

-Hai. Cả năm chỉ có mấy ngày Tết, làm kha khá để dành ra Giêng cho sắp nhỏ.

-Tui cũng rang hai giạ. Trước cúng, sau cho con Hạnh mang vào trường. Hôm rồi nó viết thư về nhắc tui làm nhiều nhiều lên. Tết năm rồi, nó mang theo ít quá, không đủ chia. Lũ bạn nó thích bánh nổ quê mình lắm à nghen…

Từng tô nếp vỏ được cho vào chảo nóng, trên đậy tấm vỉ tre, lửa bên dưới lò cháy riu riu, tay đũa đảo đều đều. Vài phút sau, nếp nổ rộ lên, vui tai như tiếng cười giòn giã. Mới đó là những hạt vàng mà khi lùa ra khỏi chảo lại là những túm bông trắng nõn nà. Nếp nào chắc hạt, phơi được nắng, khi rang hạt nổ càng to, càng đẹp. Khi đi chỉ bưng một thúng. Lúc về phải dồn trong hai ,ba bao tải đầy.

Nếp đã được rang thành nổ rồi; buổi chiều nghỉ học, buổi tối học xong bài, bọn trẻ con xúm xít lại cùng nhau lượm nổ. Từng mảnh vỏ trấu còn vương lại đâu đó, các cặp “ mắt chim” sẽ phát hiện ra và loại khỏi sàng. Chúng tôi vừa thoăn thoắt gạt, nhặt vừa nhá những hạt nếp “nín” giòn thơm trong miệng như cắn hạt dưa mà nghe như Tết đang đến bên mình.Câu chuyện râm ran từ bộ quần áo đẹp, đôi dép mới đã được mua đến số tiền lì xì sẽ có cũng như những dự định “to lớn” trong ba ngày tết.

Nổ lượm xong, trộn với đường sên chín cùng với củ gừng giã nhỏ, cho vào khuôn, dùng chày vồ đóng mạnh, cho ra một khối vuông vức bốn mặt. Dùng dao sắc cắt ra từng lát. Đấy là bánh nổ. Đêm đêm tiếng vồ đóng bánh “bộp, bộp” vọng ra từ nhà này, nhà kia nối tiếp nhau làm náo nức tuổi thơ như khúc dạo đầu của bản nhạc xuân. Do vậy, Tết ở quê tôi không chỉ là ba ngày mà dường như Tết đã đến trong lòng người sớm hơn, kể từ khi các lò rang nổ bắt đầu nhóm lửa.

Người quê tôi làm bánh nổ trong dịp Tết chỉ chọn duy nhất một loại nếp ngự. Đây là loại nếp đặc chủng  chỉ riêng vùng quê này mới có. Hạt nếp to, tròn, thơm, dẻo lạ thường. Khi ruộng nếp đã chín, đi cuối chiều gió ,cách xa đến trăm thước đã nghe mùi xôi nếp mới. Tương truyền ngày xưa hàng năm, làng phải tiến cống loại nếp này lên vua nên mới được đặt tên cho như vậy. Người ở các vùng lân cận nghe tiếng giống nếp quí, tìm đến đây mua giống về gieo trồng.Nhưng thật lạ, không nơi đâu cho hạt nếp dẻo thơm bằng hạt nếp làm ra trên chính đồng đất quê nhà.

Ngoài các món bánh, mứt, rau quả, thịt cá… ngày Tết ở quê tôi không nhà nào thiếu món bánh nổ làm từ nếp Ngự. Trong bánh nổ, hạt đường ngọt thanh, hạt nếp dẻo lành, miếng gừng nồng ấm là sự kết tụ các tinh túy của đồng bãi quê hương và tình người xứ sở. Ăn miếng bánh nghe vị ngọt của đường non, hương thơm nếp rang hòa lẫn vị cay cay của gừng tươi; cái dân dã, cái mộc mạc không lẫn vào đâu được.

Ngày nay giữa muôn hồng nghìn tía của các bao bì, kiểu dáng, nhiều loại bánh, kẹo trong nước, ngoài nước chen chân vào làm vật phẩm ngày Tết ở mọi nhà, nhưng ở quê tôi, bánh nổ nếp Ngự vẫn còn đó, ở đó, tại một vị trí không hề thay đổi.

Theo kế hoạch đã định, chiều nay, phân đội Thiếu niên Tiền phong chúng tôi đến làm công tác Trần Quốc Toản tại nhà bà bốn Sơn, bà mẹ Việt Nam anh hùng.  Ngoài sân, vườn cây xanh mướt vẫy chào, giậu hoa chúm chím hé cười. Trong nhà, bà Bốn đang cặm cụi lượm nổ. Chiếc sàng phân nổ ra thành từng mớ cho dễ lượm đặt trên nền nhà, bà Bốn ngồi đó, chiếc lưng còng, đầu gối quá vai…

-Ôi, trời đã về chiều, lễ hội sắp kết thúc mà sao cô Tấm vẫn còn ngồi đây nhặt thóc nhỉ?

Nghe tiếng, bà mẹ ngẫng đầu lên, miệng cười móm mém:

-Mồ tổ bây! Chỉ được cái liếng láu… Còn trêu bà nữa chớ.*

Chúng tôi sà xuống như một đàn chim trong cổ tích:

-Thôi, bà nghỉ đi cho khỏe. Để tụi cháu lượm cho. Một loáng là xong ngay ấy mà.

-Ừ

- Bà ơi! Tối mai chúng cháu đến đóng bánh cho bà nhé?

-Ừ.

Và tối hôm sau, tiếng vồ đóng bánh hòa cùng tiếng nói, cười trong trẻo vọng ra từ nhà bà Bốn, kéo cái Tết tới gần.

Vũ Ngọc thiên Chương
Những ngày giáp Tết 1999
(Nguồn: Ngàn năm mây trắng... NXB KIM ĐỒNG-2002)

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046