Lấy chồng nhà giáo


Minh họa: DAD
Sau cái đận “mất giá” do đời sống khó khăn, làng giáo bây giờ “mở cửa” thông thoáng nên không ít thầy giáo độc thân dạy các môn khoa học cơ bản đang trở nên hấp dẫn các cô.
 
1. Mình có ông bạn tên Cường, giáo viên toán của một trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Cường “thâm canh” rất giỏi, thời gian biểu dạy thêm dày đặc. Vợ anh, chị Bông, mặt tươi như hoa mỗi khi thu tiền học sinh đến nhà học thêm môn Toán của chồng. Mỗi tháng, tiền dạy thêm khoảng trên chục triệu, anh giao hết cho vợ. Vợ cũng rất vui vẻ “đối lưu” cho anh trọn số tiền lương tháng (khoảng hơn ba triệu) để anh chi tiêu cho “rộng thoáng” với bạn bè.
Một lần bia bọt với đồng nghiệp, Cường kể: “Ngày Phụ nữ 20.10 vừa rồi mình chả tặng hoa tặng hoét gì cho vợ cả. Nguyên ngày 19, mình không có giờ ở trường, thế là “chơi” luôn 4 suất dạy thêm, bả thu tiền mệt nghỉ. Hoa đó chứ hoa đâu! Ngày của bả, nhưng mình được bả bồi dưỡng… ngược một nồi cháo gà và một thùng bia. Anh em đến cụng ly rôm rả. Hì hì, sướng tận mây xanh”.

2. Xóm mình có cô Thúy Liễu bán bánh mì mỗi sáng, có chồng là hiệu trưởng một trường tiểu học, lương tháng khoảng hơn bốn triệu. Cả xóm đều khen gia đình chị Liễu dù mức sống đạm bạc nhưng hạnh phúc. Chị tâm sự: “Học chưa hết lớp 9, tui phải nghỉ vì nhà nghèo. Bây giờ vẫn còn nghèo nhưng tui thấy vui vì lấy ảnh, tui được học trò và cả làng tôn trọng gọi bằng cô, vậy là oách lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa chớ”.
Chị kể nhiều lần chị được mời đi họ cùng chồng, lời mời rất… giá trị: “Thầy cô hiệu trưởng thông cảm đi giùm cho em, họ nhà gái mà có thầy cô thì sang lắm, ăn nói có văn hóa nghệ thuật, họ trai hết đường bắt bẻ. Đến lượt nhà trai nhờ đi họ, họ cũng nói y chang như vậy, vui ơi là vui!”. Chị lại được dịp diện đồ một cách “hợp pháp”, khi thì áo dài đính kim tuyến lóng la lóng lánh, khi thì váy đầm đúng điệu, đi dù xanh đỏ, đẹp ngất ngây!
Đúng là “ở bầu thì tròn”, sống với chồng là nhà giáo, được “lên chức” cô, chị Liễu không cho phép mình ăn nói lỗ mãng với ai, thái độ sống với bà con rất chân tình, niềm nở. Mỗi lần nhận được lời khen: “Đúng là vợ nhà giáo, vợ hiệu trưởng có khác”, chị sướng mê tơi, thấy tự hào về chồng và tình yêu chồng vẫn đậm đà như những ngày mới cưới.
 
3. Còn đây là chuyện thật như bịa, đã trở thành “giai thoại”. Đó là chuyện của anh Trịnh, giáo viên cấp 2, “chuyên trị” môn Giáo dục công dân - môn mà có đốt đuốc tìm đỏ con mắt cũng chẳng có học trò nào chịu học thêm để tăng thu nhập. Vậy nên anh thường phải nghe vợ ca bài “so sánh”: Ông nọ dạy thêm môn Lý, ông kia dạy thêm môn Hóa, thu nhập bạc triệu mỗi tuần. Còn anh sao lại “chui” vào cái môn này hè?
Những lúc như vậy Trịnh chỉ ậm ừ, nói tại cái số nó vậy, em hiểu cho anh. Trịnh có thói quen là sau mỗi lần “gặp nhau cuối tuần” lâng lâng với anh em, về nhà  thường hỏi vợ “có đồ gì anh giặt giúp cho” đặng “lập công chuộc tội… thu nhập thấp”. Đã quá quen chuyện này nên mỗi lần chồng đi nhậu, vợ ở nhà thường để phần một thau đồ chờ chồng về “xử lý”.

Chiều 20.11 năm đó, các thầy góp phong bì mà ủy ban xã tặng để liên hoan với nhau. Trịnh cho phép mình uống thêm vài ly so với mức bình thường để chào mừng ngày nhà giáo. Mưa lay phay, trời lạnh như cắt da, vợ con đang ở bên ngoại, anh về nhà trong trạng thái liêu xiêu. Không thấy thau đồ nào nhưng “lập trình giặt đồ” trong đầu hiện lên, Trịnh lôi hết chiếu, mền, áo lạnh,  tấm trải giường đang sạch, bỏ vào thau và giặt hết. Anh vừa giặt vừa hí hửng tưởng tượng lời vợ khen.

Vợ về té ngửa, ôm mặt khóc hu hu: “Trời ơi, ông hại cả nhà rồi, siêng chi mà siêng ác nhơn ác nghiệp vậy trời, tối nay ngủ, lấy gì trải giường, lấy gì đắp đây?”. Anh chàng tỉnh hẳn, mặt đực ra, cười không ra cười, mếu không ra mếu. Sau đó, điện thoại nhà của những ông bạn nhậu cùng anh réo liên tục với những lời trách móc: “Mấy ông xúi chồng tui làm chuyện tào lao, nở gan nở ruột mấy ông chưa hả?”.

Các “chiến hữu” tá hỏa, liền hội ý chớp nhoáng, san sớt những đồ đạc chống lạnh của nhà mình rồi nín cười, khệ nệ mang tới sẻ chia cùng gia đình Trịnh. Hàng xóm ngạc nhiên và khen không tiếc lời: Mấy ông thầy cư xử thiệt là chí tình chí nghĩa, bằng hữu gắn bó keo sơn, đã “cùng hội cùng thuyền” thì phải đồng cam cộng khổ, ấm lạnh có nhau để làm gương cho học trò là phải lắm!

Trần Cao Duyên - Nguồn Thanh Niên

Các tin khác

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046