Viết trong mùa biển lặng

Mùa biển lặng Sa Huỳnh thường là mùa hè. Lăn tăn sóng. Hiu hiu nồm. Lơ thơ mây. Xào xạc dương. Và dìu dịu nâu vàng của cát. Thoát khỏi những con hẻm bức bối, thoát khỏi người, xe, bụi bặm, tiếng ồn…chỉ năm phút, biển trời hiện ra, thoáng đãng, mênh mông. Bỗng thấy nhớ ngọn sóng xa nào đó. Người Sa Huỳnh tha hương thấy nơi đâu gờn gợn sóng xanh là chạnh nhớ biển quê mình. Nhớ đến mức muốn bỏ tất cả, ra bến xe Miền Đông, lấy vé, ngủ gà ngủ gật mười mấy tiếng là thấy mặt quê hương.


Lâu đài trên cát

Đã sang tháng tư âm lịch rồi. Bãi biển Sa Huỳnh bắt đầu đông vui với những trận bóng đá “hai trần”: chân trần và lưng trần. Từng đôi bên nhau rong chơi bên chân sóng. Những chú bé con lê la bên mé biển, tỉ mẩn xây từng tòa lâu đài cát. Nhớ ngày nhỏ cũng thường hay chơi trò này. Lúc quay về, trong mơ cứ lo “tòa tháp” của mình bị sóng cuốn trôi.

Mùa biển lặng cũng là mùa rù rì, cúm núm. 4 giờ chiều, nắng còn rát da lưng, đã thấy những teen nam nữ đi dọc bờ biển, tay xách túi ni lông, thỉnh thoảng cúi xuống và reo hò. Những chú rù rì khờ khạo này không bao giờ thoát nổi bàn tay lanh lẹ của trẻ con làng biển. Khi chúng về, đâu đó trong những ngõ nhỏ, mùi thơm của rù rì thả dầu quyến rũ người lớn với những xị rượu gạo nồng cay.


Rù Rì ở biển Sa Huỳnh
 
Mấy hôm nay thấy xuất hiện mấy người bắt rù rì chuyên nghiệp. Tay cầm bay thợ hồ, xúc một nhát, không con nào thoát, nhưng cũng có những con bị thương tích vì lưỡi bay quá sắc. Mình không thích cách bắt này, thấy nó “dã man” quá.


Cúm Núm

Lang thang đến tận Bù Nú. Gặp nhiều du khách Quảng Ngãi, Bình Định. Đa số đều có máy quay phim, chụp ảnh về thắng cảnh Sa Huỳnh. Một cô gái tóc vàng người Hà Lan nói tiếng Việt tạm được. “Nó” nói so với Nha Trang, Vũng Tàu, Quy Nhơn, bãi biển Sa Huỳnh quá đẹp. Cát sáng, sạch và vàng như…Có lẽ “nó” tìm từ so sánh không ra, mình giúp nó, nói cát vàng như tóc cô em đấy. Nó cười, nói nhưng mà em chỉ thích tóc đen như cô gái Việt Nam. Chẳng biết là nó nịnh hay không nhưng nghe cũng mát ruột.

Có vẻ ông du lịch đang muốn gặm dần bờ biển Sa Huỳnh rồi. Từ cơ sở cũ, ổng đang đào đào xúc xúc về phía nam, hướng vào Bù Nú. Vật liệu xây dựng ngổn ngang. Bờ biển tuyệt vời này đang bị các công trình du lịch che khuất tầm nhìn. Một nỗi lo hiện dần: rồi đây sẽ không còn chỗ cho người đi dạo mát, tắm biển. Và cũng hổng biết trăng trên bãi còn đẹp nữa không khi những nhà hàng bên bờ biển treo đèn kết hoa, thâu đêm sáng lóa.

Mỗi chiều phai, từ bờ biển về nhà, lòng thấy nặng trĩu một nỗi gì không rõ rệt. Có lẽ đó là nỗi lo mất đi một dải bờ biển đẹp tự nhiên cùng với nét hoang sơ của những làng chài có hơn mấy nghìn năm tuổi này. “Thời hiện đại mà tôi thì cổ quá / Tôi rất sợ một ngày phải cúi đầu từ giã / Bao bình dị nét làng mà tôi đã hằng yêu…”. Cách đây mấy chục năm, mình đã viết như thế trong bài “Làng tôi thời mở cửa”.

“Nghe ngoài biển động mà thương”. Giờ biển hết động rồi, vẫn còn thương. Trong niềm thương có nỗi buồn và nhớ. Mơ hồ nghe vài năm nữa, những kilômét bờ biển tuyệt đẹp nối dài Sa Huỳnh – Bù Nú chỉ còn trong ký ức.

Bài và ảnh: Trần Cao Duyên

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046