Theo chân đoàn làm phim ký sự

Bỗng dưng được…làm phim
Là người Quảng Ngãi nhưng tôi vẫn thường lơ ngơ như bò đội nón khi có ai  nhắc đến một không gian văn hóa nào đó ngay trên chính quê hương Núi Ấn-Sông Trà. Chợt nhận ra, có khi sống cả đời vẫn không “thuộc” nổi bến quê. Đó là lỗ hổng văn hóa. Nhưng tôi đã có nguồn bù đắp vào những khiếm khuyết ấy bằng cách xem chương trình “Non nước quê tôi” trên PTQ (Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi). Đó là những ký sự về đất và người Quảng Ngãi, nhẹ nhàng mà lắng sâu. Xem ký sự, có cảm giác như mình đang được “mục sở thị” những mảng cuộc sống tươi ròng, y như rằng nơi ấy mình đang đến, người ấy mình đang chuyện trò. Ống kính lia tới đâu, hình ảnh nơi đó bật lên tiếng nói – những âm thanh u trầm hay thanh thoát của cuộc sống. Tên của từng thành viên trong ê-kíp làm phim thường trôi ngang qua màn hình sau mỗi ký sự. Người xem thuộc tên nhưng mấy ai được gặp những con người “dọc đường gió bụi” ấy. Vậy mà tôi đã có đến ba ngày theo chân đoàn làm phim của PTQ để thực hiện những ký sự truyền hình trên đất Sa Huỳnh (thuộc hai xã Phổ Thạnh và Phổ Châu, H. Đức Phổ, Quảng Ngãi). Không phải theo để…coi chơi mà tham gia làm phim với tư cách là một nhân vật “bản xứ”.

Lần đầu vào…ống kính
Bãi biển Châu Me (xã Phổ Châu) là nơi đoàn “đổ bộ” đầu tiên. Đây là vùng biển “vàng” của du lịch Quảng Ngãi. Chẳng hiểu PV Phương Trung đang thu biển trời thơ mộng vào ống kính hay biển trời đã hút hồn anh chàng này. Chỉ thấy anh ta tác nghiệp liên tục, thỉnh thoảng vác máy nhảy từ gộp đá này sang gộp đá khác, nhanh như…khỉ. Đạo diễn phim “Đời võ” (giải nhất LH phim Thể Thao quốc tế 2010 tại Ý), anh Nhật Thảo, liên tục “chạy chỗ” để tìm góc quay “độc”. Anh ra hiệu nhiều hơn nói, gật gù đắc ý sau mỗi cảnh quay. Có khi anh đanh gọn: “Không chất lượng, quay lại”. PV, trợ lý hiện trường Huỳnh Thế, MC Mẫn Đạt, Như Huyền quay sang bắt chuyện với tôi về cái đẹp say người nơi đây. Chúng tôi huyên thuyên với nhau, không hề biết Phương Trung đang lặng lẽ đưa chúng tôi vào phim và thu âm những lời thoại khá thô ráp. Nhật Thảo nói “OK, đoạn này tự nhiên lắm”. Tôi bị Như Huyền “lừa”. Cô nàng nói anh đọc bài thơ viết về biển Châu Me đi. Trong không gian trữ tình này, lại được “người đẹp nhất” trong đoàn yêu cầu, bố bảo cũng không dám từ chối. Tôi đọc. Và cảnh này cũng “bị” Phương Trung âm thầm ghi vào máy. “Ưu tiên cho cuộc sống ùa vào ống kính, tránh tối đa “diễn xuất” để bảo đảm tính chân thực”, Nhật Thảo nói khi đoàn thu gom đồ đạc, rời Châu Me để trực chỉ mục tiêu thứ hai: Trạm Đèn Biển Sa Huỳnh.

Nỗi nhớ…người dưng
Chiều nắng muộn. Gần một giờ đi về phía biển bằng con đường dốc núi, chúng tôi có mặt tại Nhà đèn. Trạm trưởng nghỉ phép. Chỉ còn bốn người: Tín - Trạm phó, Cường - thợ máy cùng hai cán bộ kỹ thuật vừa xuống làng chơi với dân. Nơi đây vắng nhưng không hoang. Những chậu cây cảnh duyên dáng, những tán bàng biển lá mướt xanh, khuôn viên sạch bong, bàn ghế ngăn nắp…chứng tỏ điều đó. Làm nhiệm vụ an toàn hàng hải cho tàu thuyền qua lại vùng biển Quảng Ngãi – Bình Định, Trạm Đèn biển Sa Huỳnh đã chiếm lĩnh đỉnh núi cao nhất và vươn xa nhất về phía đông. Cao đến mức gió gào thét quanh năm. Xa đến mức quạnh hiu. Nên anh em ngoài nỗi nhớ người thân còn có nỗi nhớ…người dưng nữa. Họ rất “thèm người”. Hàng tuần, các chàng trai nhà đèn đều thay nhau xuống làng Thạnh Đức tít dưới kia, chỉ để trò chuyện tầm phào với dân, uống vài ly rượu rồi về. Cho đỡ nhớ.

MC Như Huyền thoải mái cho tóc mây bay và đọc mấy câu thơ mà cô đã quên tên tác giả: “Đây là đỉnh gió / Yêu chẳng thật lòng e chẳng dám lên”. Trung reo vui, nói em quay được…gió rồi anh Thảo ơi. Mở máy, thấy những cành bàng chao nghiêng trong tiếng gió gào. Đỉnh gió mà, lời nói luôn bị gió át đi. Hai người bên nhau nhiều khi không nói chuyện được vì thường bị gió “cướp lời”. Mẫn Đạt đùa, hét lên: “Huyền ơi, anh yêu em”. Huyền ngơ ngác rồi cao giọng: “Chanh hết rồi, còn tiêu và nem thôi”. Rộ lên những tiếng cười.

Hai cán bộ kỹ thuật trẻ - Long và Trí- xuống núi lúc nãy giờ đã trở về với một chai rượu gạo. Chúng tôi ngồi nghe các anh nói về cuộc sống trên trạm Hải Đăng đầu sóng ngọn gió, về những nỗi nhớ có tên và không tên. Họ gọi đây là nơi mà tình yêu của họ đã buông neo. Phút chia tay, trạm phó Tín, người Hải Dương, hát “người ơi người ở đừng về…” khiến ai nấy đều xúc động.


Đoàn làm phim chụp ảnh lưu niệm cùng anh em ở Trạm Đèn Biển Sa Huỳnh

Nghe chất muối thầm dần trong…ống kính
“Nhân vật” trung tâm của tập ký sự tiếp theo là…con nhum – nguyên liệu để làm một loại mắm tiến vua ngày xưa. Đó là mắm nhum. Thôn Tấn Lộc (xã Phổ Châu) với hơn hai kilômét rặng đá ngầm ven biển đã sản sinh khá nhiều nhum. Ê-kíp làm phim “trúng mánh” khi vừa xuống biển là gặp ngay…ê-kíp làm mắm nhum trong một căn lều. Ống kính của PV Phương Trung “no kềnh” những hình ảnh mà anh và nhóm làm phim chưa hề thấy trong đời. Những người thợ lặn đưa nhum vào bờ trên chiếc ruột xe tải bơm căng. Vợ con họ đã chờ sẵn trong lều và bắt đầu những công đoạn làm mắm. Anh chồng chặt làm đôi từng con nhum tua tủa gai nhọn rồi chuyền cho vợ dùng que tre tách bỏ ruột. Đứa con gái cẩn thận nạo từng mẩu thịt nhum cho vào thau. Cứ một ký thịt nhum được trộn khoảng gần một lạng muối hột và cho vào chai. Hai du khách người TPHCM đến, xòe bốn trăm ngàn và xách ngay hai chai mà không trả giá. MC Như Huyền, Mẫn Đạt và trợ lý hiện trường Huỳnh Thế vừa thực hành nạo nhum vừa tranh thủ phỏng vấn nhóm làm mắm. Dưới kia, lại một thợ lặn nữa đang đưa nhum vào bờ. Phương Trung xách máy lội ra tận chân sóng để quay cận cảnh. Và sóng đã “quay” lại anh. Tiu nghỉu, anh vác máy lên ngồi dưới bóng dương lúi húi lau chùi. Chậm một chút, để chất muối thấm dần trong…ống kính thì bay tưng cả trăm triệu như chơi.

Khỉ…không tiếp nhà báo
Ngày thứ ba, đạo diễn Nhật Thảo đưa cả đoàn đến Đảo Khỉ (thuộc thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh) với hy vọng có những thước phim về đàn khỉ hàng trăm con tại đây. Người dân địa phương cho biết đám con cháu Tề Thiên thường xuất hiện lúc tờ mờ sáng, xuống tận chân gành để ăn những con rạm (một loại cua) sống trong những khe đá. Mặt trời vừa ửng, chúng lên núi và lẫn vào hang ngay. Có khi từ đâu đó trong những khe đá, chúng ném sỏi xuống, chọc ghẹo những du khách tắm biển. Những tay nhiếp ảnh tưởng bở, xách máy chạy lên, chúng biến sạch. Chúng không thân thiện với người vì người thường săn và bẫy chúng. “Nhà báo đi giờ này chỉ thấy…khỉ gió”, một người dân nói. Trưởng đoàn Nhật Thảo quyết, cứ đi, không thấy khỉ thì cũng đặt chân đến “Hoa quả sơn” cho biết. Chúng tôi chia làm hai nhóm, đặt những quả chuối làm mồi nhử khỉ trên những gộp đá cao nhất. Tay máy Phương Trung bám theo, không bỏ sót hình ảnh nào. Ngồi rình hàng giờ chẳng thấy khỉ đâu, chỉ thấy những con chim hoan hỉ bay đến tận hưởng bữa tiệc chuối do đoàn làm phim…chiêu đãi. Nhưng bù lại, chúng tôi có những thước phim hoành tráng về những vực biển và vách núi cheo leo, còn khá hoang sơ, làm phong phú thêm bộ sưu tập về nước non Quảng Ngãi. Nhật Thảo ra lệnh đóng máy. Chúng tôi chào tạm biệt Đảo Khỉ với lời hẹn dịp khác sẽ đến trước rạng đông.
 
Ba ngày loay hoay làm phim, màu da ai cũng hàng trăm…độ nắng. Huỳnh Thế bảo tôi: thứ bảy tới, 20 giờ 40, ký sự của chúng ta sẽ lên sóng tập đầu. Nhớ xem, anh nhé. Tôi nhủ thầm: “Ký sự của chúng ta”. Nghĩa là có cả tôi trong đó. Sướng rêm mình.

Trần Cao Duyên

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046