Quà quê buổi sáng

Với người Sa Huỳnh, dấu hiệu đầu tiên của ngày mới không phải là vầng mặt trời với những tia nắng đằng đông mà là bếp than hồng được nhóm lên từ tay những người chị, người vợ, người mẹ. Đó là những gia đình nghèo hoặc cận nghèo, ăn bữa trưa lo bữa tối. Họ dậy từ trước gà gáy, cần mẫn ngồi bên lò lửa rực đỏ để đúc từng cái bánh xèo, nấu từng nồi bánh canh, hấp từng rổ bánh bèo…bán cho những người đi làm đồng, những người đi biển sớm và đặc biệt là cho những học sinh có cái để mà lót dạ với giá bình dân.


Chị Mai Thị Tin đúc bánh xèo mỗi sáng

Nơi ăn sáng ở Sa Huỳnh khá đặc biệt. Đó là những ngã ba, ngã tư đường làng, ven đường quốc lộ đi qua những xóm thôn hay dưới mái hiên những căn nhà mà chủ của nó vẫn còn đang ngái ngủ. “Văn hóa ăn sáng” của Sa Huỳnh có vẻ gì đó hơi…phóng khoáng, tự nhiên như sóng và gió của một làng chài, giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Trẻ con không nói làm gì. Những thôn nữ hay nữ sinh trường huyện duyên dáng là thế nhưng chỉ cần một cái đòn bé xíu là có thể hồn nhiên ngồi xuống, hất mái tóc ra phía sau mặc cho gió mơn man, chăm chú xì xụp từng muỗng bánh canh hay rứt từng miếng bánh xèo, chấm tí mắm đục, cái miệng nhai chóp chép rất có duyên. Các cô ăn rất…nhiệt tình, quên mọi điều diễn ra xung quanh và quên rằng mình…đẹp. Sau này đọc sách, mới hay rằng cách ăn như thế rất khoa học. Khi ăn chỉ biết là ăn, tập trung các giác quan để thưởng thức từng…xăng-ti-mét món quà buổi sáng, lắng nghe hương vị ngọt ngào của “hạt gạo làng ta”, vị mặn mòi của hạt muối quê ta phảng phất trong từng miếng bánh, từng chén nước mắm bàng bạc hương vị Sa Huỳnh. Hèn chi con trai con gái nơi đây có sức sống dẻo dai, bền bỉ, vô tư và dung dị như lá từ bi, như dây muống biển cứ chầm chậm vươn dài trên bãi cát, ngay cả trong những tháng năm “gian lao mà anh dũng”, một lát củ mì…duy trì ba bốn hạt cơm.


Chị Nguyễn Thị Lập - luôn cho ra lò những nồi bánh canh hấp dẫn 

Bánh canh Sa Huỳnh nóng hổi vừa thổi vừa húp, ngon đến nỗi dân làng đi xa là nhớ. Một bà cụ có con cháu làm ăn sinh sống ở Tp HCM kể: mỗi lần nghỉ hè, nghỉ Tết, chúng nó về thăm nhà, xe mới tới Quy Nhơn chúng đã a lô, má ơi, ngoại ơi, nội ơi, mua bánh canh chưa? Còn thầy tôi, giảng viên trường CĐSP Quảng Ngãi (giờ là Tiến sĩ văn chương, ĐH Phạm Văn Đồng), một lần nhậu ở Sa Huỳnh đến 2 giờ sáng…ráng chờ luôn đến 4 giờ 30 chỉ để ngồi bệt xuống mảnh giấy các tông ở ngã ba Hậu Cần, húp mấy tô bánh canh cho ấm lòng trước khi về thị xã. Riêng món bánh bèo chan mắm ruốc thì đã…lập thành tích đáng nể là giữ chân họa sĩ kiêm điêu khắc gia nổi tiếng Song Văn, người Hà Nội, lưu lại Sa Huỳnh gần một tuần lễ. Có lần anh Phạm Ngọc Hưng đưa bạn từ thành phố về chơi, chuẩn bị điểm tâm, kiểm tra “quân số” thấy vắng nữ kỹ sư Hoàng Cúc. Đi tìm thì thấy nàng tiểu thư thành phố đang ngồi lọt thỏm trong căn chòi bán bánh xèo. Cúc đang…le cái lưỡi “quý phái”, thả miếng bánh vào đấy sau khi đã kẹp một ít mắm cá cơm rồi nhỏ nhẻ nhai một cách ngon lành. Cúc cười bảo, về Sa Huỳnh, em thích nhất là sà vào hàng quán lề đường, đừng tìm em ở phía…nhà hàng cho mất công, hi hi…


Chị Nguyễn Thị Hiệp với những chén ánh bèo mới được vớt ra 

Những lần có việc đi ra ngoài vào lúc rạng sáng dưới cái lạnh cắt da của gió bấc mưa phùn, tôi thấy thương thương những bóng người co ro, lặng lẽ làm món ăn sáng cho người làng bên lò than đỏ rực. Trước hiên nhà cô Dung là góc bánh xèo của chị Lê Thị Ngọc Sang, 28 tuổi. Chị không thể nhớ hết bao nhiêu rạng đông đã đi qua đời chị gắn với nghề đúc loại bánh này. Những cái khuôn bánh xèo luôn lập lòe ánh lửa nhưng cuộc sống gia đình chị chưa thể gọi là sáng ấm. Chồng chị, anh Võ Văn Quý đi biển dài ngày, thu nhập thì phập phù, có khi không đủ tiền xe về thăm nhà . Chính cái góc bánh xèo này đang nuôi 2 con ăn học, đứa lớp 2, đứa lớp 4. Càng ái ngại hơn khi biết chị còn phụng dưỡng mẹ già trên 75 tuổi.


Với hàng bánh xèo này, chị Lê Thị Ngọc Sang đang nuôi 2 con và một mẹ già 75 tuổi 

Phía trên đường Hậu Cần cũng là nơi tôi hay đi ngang qua mỗi lần lên huyện họp. Mới hơn 4 giờ sáng đã thấy những ngọn đèn leo lét từ những lều bạt bán quà sáng của bà Nguyễn Thị Lập, chị Nguyễn Thị Hiệp, chị Mai Thị Tin, chị Nguyễn Thị Trường…Vẫn là bánh canh, bánh xèo, bánh bèo, bánh căn. Chừng ấy quà quê, năm nào cũng như năm nào, không thay đổi. Nhưng đã có một điều làm nên sự đổi thay: Đồng tiền ki cóp được từ những hàng quà lam lũ ấy đã góp phần không nhỏ làm nên những tấm bằng tú tài, cử nhân, thạc sĩ…Không hiểu sao tôi cứ băn khoăn rằng, ở những tỉnh thành đầy đủ tiện nghi, những đứa con của Sa Huỳnh thành đạt khi ngồi giữa dạ tiệc với ánh đèn rực rỡ, họ có phút giây nào cúi đầu nhớ về những bếp lửa nhỏ lắt lay và những món quà sáng đơn sơ của quê nhà?

(Bài và ảnh: Trần Cao Duyên)

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046