Phương "khùng" hào hiệp

Chúng tôi “nhặt” được thông tin về một “dị nhân” ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) rằng đấy là một anh chàng khùng, từng bị thương khi đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, quê tận Khánh Hòa nhưng xiêu dạt về Sa Huỳnh hơn 20 năm nay làm đủ nghề mưu sinh, kể cả nghề “cái bang”.

Nếu như thế thì cũng không có gì đặc biệt để nói. Nhưng anh khùng này làm đủ nghề để nuôi thêm một anh khùng khác, và nhiều đứa trẻ “cái bang” ở chợ Sa Huỳnh đã sống sót nhờ vào sự hào hiệp của Phương “khùng đại hiệp” này.

Anh chàng... sàng giấy!

Một người quen ở Quảng Ngãi bảo: cứ vào chợ hỏi thì may ra gặp. Và những hồ nghi ban đầu về “dị nhân” này trong chúng tôi bị xua tan khi len lỏi vào chợ Sa Huỳnh hỏi thăm Phương, cả mấy chị em bán buôn ở dãy sạp hàng đầu chợ đều túa ra tìm “Phương khùng” cho chúng tôi. Thú thật, đời làm báo chúng tôi đi tìm nhân vật đã nhiều nhưng chưa khi nào chúng tôi nhận được sự nhiệt tình tìm kiếm của bà con như khi tìm Phương “khùng”. Chỉ nhìn vào tình cảm ấy thôi, chúng tôi đã tin Phương hẳn đúng là người tốt như những thông tin mình nhận được.

Không nề hà

Không chỉ lặn tìm phế liệu mưu sinh, khi có ai nhờ việc gì Phương không nề hà. Năm kia trên biển Sa Huỳnh có người chết dạt vì bão, Phương không nề hà lặn vớt thi thể và lo tẩn liệm người xấu số.


Trong lúc chờ bà con đi kiếm Phương, người bảo Phương ra bến cá, người nói Phương đi mua đồ gì đó thì chị Mẫu, thợ may vốn đặt bàn máy may gần sạp hàng Phương thường ngủ, nói: “Nó mới ở đây, tui vừa thấy nó “sàng giấy” xong. Chắc đi mua đồ giúp ai đó”. Chúng tôi ngơ ngác: sàng giấy là sao? Thì ra mọi người quanh đó đã quen với chuyện này.

Số là mỗi khi ai đó nhờ Phương đi mua đồ, sợ Phương tưng tửng quên mất thì viết những thứ cần mua vào một tờ giấy rồi Phương căn cứ vào đó để mua giùm. Nhưng cứ mỗi lần cầm tờ giấy chi chít chữ Phương đều sàng qua lắc lại, ai hỏi làm thế để làm gì, Phương cười tưng tửng: “Tui sàng chữ cho nó nhúm lại để dễ đọc, để vậy chữ chạy lung tung quá!”.

Nếu vậy đích thị là Phương “khùng” rồi!

Câu chuyện về Phương được nhiều người góp thêm vào. Chị Lê Thị Hiệu, có sạp hàng mà buổi tối Phương thường dùng làm chỗ ngủ sau khi chị dọn dẹp, nói: “Chưa thấy ai khùng mà tốt như nó, đi lặn tìm phế liệu, tìm đồ người ta làm rơi ở cảng cá được  trả bao nhiêu tiền tối về nó chia cho sắp nhỏ lang thang cơ nhỡ trong chợ hết”. Chị Yến ở tiệm uốn tóc đối diện kể thêm: “Tết năm ngoái, có người đánh rơi đồng hồ xuống nước ở cảng cá, nó lặn tìm được, người ta cho nó 200.000 đồng. Vừa cầm tiền đi từ cảng lên chợ, thấy hai vợ chồng người H’Rê trên Ba Tơ về chợ không có tiền đón xe, nó đưa hết số tiền mà người ta vừa trả công cho hai vợ chồng kia”.

"Đôi khi trên đời có những con người ta gặp, nghe câu chuyện về họ bỗng dưng mình tự thấy xấu hổ bởi những lăn tăn sân si thường nhật của mình. Với Phương, tôi cũng mang cảm giác như thế."

LÊ ĐỨC DỤC

Chị Hiền ở tiệm may bên cạnh góp thêm: “Mấy năm trước không hiểu sao mấy người ăn mày về ở trong chợ khá nhiều, vậy là tiền nó đi gánh cá thuê, mò sắt cả ngày được bao nhiêu tối về nó mua thức ăn cho người ta hết. Đã thế, đêm đến trên sạp chợ nó dạy tụi nhỏ nhiều điều hay, nhất là dạy tụi nhỏ tuyệt đối đừng ăn cắp!”. Câu chuyện của mọi người về Phương “khùng” có thể dài thêm nữa nếu lúc ấy không có tiếng mọi người ồ lên: “Nó kìa, Phương khùng về kìa”.

Tôi nhìn ra lối chợ, một người đàn ông lêu đêu, đen cháy, trên tay cầm kính lặn lững thững đi vào.

Một số phận kỳ lạ

Đúng là Phương có khùng thật, chúng tôi để ý cái sẹo lớn trên đầu Phương. Chính vết thương khủng khiếp này khiến Phương có thêm tên đệm là “khùng”. Chị Mẫu nhắc: nói chuyện với Phương khi tỉnh khi khùng, hỏi quá là nó ôm đầu kêu đau đấy!


Việc gì Phương cũng làm: tự đi lặn
kiếm sắt vụn đến ăn xin hay dọn
hàng cho người trong chợ để có
cái ăn và nuôi những “đồng đội”
cơ nhỡ khác - Ảnh: L.Đ.D.
Những mảnh ghép của một cuộc đời

Chắp nối những hồi ức rời rạc và đứt quãng, bị ảnh hưởng phần nhiều bởi vết thương trên đầu Phương, chúng tôi biết quê Phương tận huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), năm nay 47 tuổi. Năm 1979, mới 17 tuổi, Phương đi bộ đội ở Campuchia, bị thương ảnh hưởng đến thần kinh nên bây giờ không nhớ ra đơn vị nào, chỉ nhớ mỗi sư đoàn 23.

Phương bảo Phương bị “da đỏ” bắn (chúng tôi đoán Phương muốn nói đến “Khơme Đỏ”). Sau ngần ấy năm, có lẽ Phương bằng lòng với cuộc sống và sự cưu mang của bà con nơi xóm chợ Sa Huỳnh. Vả chăng ký ức cuộc đời cũng chỉ là những mảnh ghép giữa những cơn tỉnh táo hiếm hoi. 


Chắp nối những câu chuyện kể về Phương mà chúng tôi nghe qua mọi người để hỏi lại Phương, anh cười rất hiền: “Thì có gì đâu, mình làm được mình nuôi tụi nó, khi mình không làm được tụi nó nuôi mình”. Hỏi bao nhiêu đứa trẻ đã được Phương nuôi rồi, Phương cười: “Sao nhớ hết, thấy nó như em út mình, nó dạt về đây thì mình bảo bọc nó. Mình đi lặn, nhặt được mẩu sắt ném lên bờ thì nó gom lại. Cuối buổi đưa đi bán thì anh em ăn chung”.

Bao nhiêu đứa trẻ lang thang xiêu dạt về chợ nhỏ nép một bên biển một bên quốc lộ 1A này đã đi qua đời Phương khùng như thế? Và tất cả đã ra đi. Có đứa dạy mãi mà vẫn không bỏ được thói ăn cắp vặt đồ của bà con trong chợ, vậy là Phương đuổi thẳng.

Phương kể: “Tui nói với sắp nhỏ: đói thì xin, đừng ăn cắp. Người ta không ghét ai ăn xin đâu, chỉ ghét kẻ ăn cắp. Anh em mình tứ cố vô thân, ăn cắp người ta đuổi đi thì không có chỗ ở, lại đói cơm đói nước”. Nghe Phương nói vậy đố ai dám nói Phương khùng? Và điều hào hiệp hỉ xả mà mọi người kể về Phương, với nhiều người coi như chuyện lạ thì với Phương đấy là chuyện hiển nhiên, bình thường.

Cách đây hai năm, có người biết về sự hào hiệp của Phương đã hỏi Phương mơ ước của mình, Phương bảo mình đã yếu, bây giờ lặn xong trồi lên hay bị hộc máu mũi, không còn sức nữa, Phương chỉ mơ có tiền để mua vé số đi bán (mà muốn bán vé số phải có tiền ký quỹ). Anh ấy đã giúp Phương 3 triệu đồng để thực hiện ước mơ. Phương về quê, mua vé số đi bán nhưng rồi bệnh “tửng” khiến Phương đánh mất số vé đã được ký quỹ. Lại quay về Sa Huỳnh và góc chợ nhỏ, Phương tiếp tục nuôi thêm một anh khùng khác tên Bình và một em nhỏ mồ côi.

Biết tin Phương mất hết tiền ký quỹ bán vé số, người ta lại giúp Phương thêm 1 triệu đồng để sống nhưng Phương không nhận. Phương nói lỡ làm mất 3 triệu đồng ký quỹ vé số lần trước rồi, như rứa là phụ lòng tin người ta, thôi để Phương tự kiếm sống với xóm chợ nghèo cũng được. Mãi đến hôm giáp tết vừa rồi, ép mãi Phương mới nhận rồi về quê mang số tiền ấy cho mấy em nhỏ trong xóm chứ không dám bán vé số, sợ mình bị “tửng” e mất thêm lần nữa.

Mới rồi Phương lại đi lặn, khi ngoi lên bị hộc máu, bà con trong chợ can không cho Phương đi lặn nữa, bảo cứ quẩn quanh đó phụ giúp dọn hàng, bưng bê rồi bà con cho tiền đủ mua cơm. Có ngày mưa rét, bà con không ra chợ, Phương lại gõ cửa nhà xin cơm, xin thức ăn mang về cho “đồng đội”. Hôm chúng tôi về Sa Huỳnh thì Bình “khùng”, người được Phương cưu mang, đã về quê ăn tết chưa lên.

Con người “tửng” vậy, bầm giập sắt đá đen đúa vậy mà hóa ra tình cảm đến lạ. Sợ Phương “sĩ”, tôi biếu Phương chút tiền nhỏ gọi là lì xì đầu năm. Phương ngần ngại, nói mãi mới nhận, liền đi te tái ra đường. Chúng tôi chạy theo, hóa ra Phương lên trạm bưu điện gọi điện về nhà cho anh trai. Phương còn anh trai ở quê, làm nghề chăn bò. Phương gọi điện thoại về nhà hàng xóm rồi nhờ họ gọi anh trai cho gặp. Nhìn khuôn mặt, giọng nói của Phương khi nói chuyện với anh trai qua điện thoại, tôi nhận ra tình huynh đệ trong Phương “khùng” chắc sâu nặng lắm.

Sa Huỳnh, thị tứ ấy đã nổi tiếng vì một nền văn hóa trong quá khứ mang tên “văn hóa Sa Huỳnh”, nổi tiếng thêm với những cánh đồng kết tinh hạt muối mặn mòi. Nhưng với số phận của Phương “khùng” nơi góc chợ nhỏ này, chúng tôi nhận ra tình đời, tình người trên mảnh đất Sa Huỳnh còn mặn mòi hơn cả đồng muối nơi đây!

LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM
(Nguồn Tuổi Trẻ)

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046