Hoa muống biển

Dọc theo ven biển miền Trung, người khác vùng vẫn gọi “cái đất năm eo” là những dải cát chạy dài tít tắp. Không một loại cây nào sống được với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Duy chỉ có loài rau muống biển.Bình thản và âm thầm, mặc cho nắng thiêu và bão xát, rau muống biển tỏa lan, đem đến cho đời màu xanh sự sống. Không hiểu sao khi nghĩ về chị, tôi cứ liên tưởng đến loài rau hoang dại ấy.

Đó là một phụ nữ năm nay bước vào tuổi bốn mươi. Vóc người nhỏ nhắn, gương mặt khả ái. Đặc biệt là giọng nói của chị, một chất giọng Hà Nội tuyệt vời mà đã hơn hai mươi năm xa đất Bắc vẫn không bị pha tạp. Nguyễn Thị Ngọc Mai là tên của chị.

Là một giáo sinh giỏi ba năm liền hệ 9+3, thủ khoa kì thi tốt nghiệp khóa ngày 25 tháng 8 năm 1979 tại trường Trung học Sư phạm Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định), tháng 9 /1979  chị ra trường,được bổ nhiệm về Phòng Giáo dục huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Nếu như ai khác,chị có thể vin vào thành tích học tập của mình xin được ưu tiên đến một trường nhiều thuận lợi cho nhàn tấm thân. Nhưng chị đã không màng, mà sẵn sàng nhận đến giảng dạy tại một trường heo hút nhất huyện :Trường PTCS Phổ Thạnh 2. Trớ trêu thay,về trường lại được phân công đến điểm dạy ở xóm Chụt, thuộc thôn Vĩnh Tuy,lại là nơi “ khỉ ho cò gáy” nhất trường. Cái tên “Chụt” có lẽ bản thân nó cũng đã nói lên nhiều điều mà ta có thể cảm nhận được.

Đây là một vùng cát nghèo, rất nghèo, nằm khuất nẻo dưới chân đèo Bình Đê. Trẻ con nơi đây suốt chặng đường tuổi thơ của mình không hề biết đến mặc áo là gì. Da dẻ đứa nào cũng một màu đen trũi. Răng ,tóc vàng lườm; còn chân tay thì đùn đũn. Đến cái tên cũng được dùng chung. Con trai thì “thằng đen”;con gái thì “con dảnh”. Những đứa bé từ khi rời vú mẹ đã không còn biết khóc. Xung quanh các em là đòn roi cùng những lời quát mắng. Ngược lại, chúng chỉ có cười. Nhưng không phải là nụ cười hạnh phúc mà là cái cười hoang sơ vô cảm. Tình cảm trong các em đã chai lì cùng với thời gian, nắng nôi và gió, cát.

Trước chị  đã có nhiều giáo viên “bị” phân công đến. Họ đã bỏ nhiệm sở hoặc chỉ dạy chiếu lệ, chờ ngày “ mãn hạn” để được điều đi nơi khác. Việc học của các em nhỏ tại đây mấy năm qua như một cái gì đó giỡn chơi. Vài bữa học, năm ba bữa nghỉ. Cơn đói chữ của các em như một căn bệnh trầm kha không nghĩ rằng có được thuốc chữa trên đời. Các bậc phụ huynh thì không tin rằng việc học chữ sẽ đem đến cho con em họ một điều gì tốt lành hơn.

Thoắt cái, một tháng đã trôi qua.Bằng năng lực của một thủ khoa và trái tim dạt dào tình yêu trẻ, chị không những dạy các em học chữ mà còn dạy các em vui chơi, múa hát, ăn nói, cư xử và sinh hoạt có vệ sinh. “Thật là một cô giáo chưa từng có”-phụ huynh thì thào với nhau. Cô-trò  đã gắn bó nhau lắm. Nhân dân tranh nhau đón cô giáo về ở nhà mình, xem đó là niềm vinh dự .

Đột nhiên Sở Giáo dục Nghĩa Bình triệu tập chị về tỉnh làm hồ sơ học lên Đại học. Bà con, mà nhất là các em nhỏ như hụt hẫng. Họ sợ mất cô như mất một người thân. Hơn thế nữa, như mất đi niềm hi vọng cuối cùng.

Chị nói với mọi người: “Lệnh của cấp trên thì mình phải chấp hành. Còn việc học, đi hay không mình vẫn có quyền đề đạt nguyện vọng. Tôi hứa với bà con và các em, tôi sẽ trở về”.

Nghe chị nói ai nấy như trút được gánh nặng, nhưng vẫn cứ hồi hộp trông chờ. Và cuối cùng chị đã giữ đúng lời hứa.

-Cô về !

Tiếng reo vui  dậy xóm mà sao nghe cứ nghèn nghẹn.Vài giọt nước mắt hiếm hoi cũng đủ làm ướt nhòe những đôi mắt đã từng khô lệ. Đó là những giọt cuối cùng được vắt ra từ những tâm hồn chai sạn hay những tâm hồn chai sạn đã bắt đầu trở lại ngậm nước ?

Trở về với công việc của mình, chị mời gọi tất cả các em đã bỏ học trước đây ra lớp trở lại. Học vui thế, cô giáo tốt thế ai mà không thích ? Nhiều học sinh của chị thời ấy bây giờ đã trưởng thành kể: “Hồi đó thích đi học  để được nghe giọng nói của cô Mai.”. Chị đã ươm vào lòng các em những ước mơ xa, nhưng tình cảm đẹp. Hướng các em đi theo con đường mà mình  đã chọn để sau này trở về giúp quê. Chị nói với các em:

Những thầy, cô xa quê đến đây dạy, sớm muộn gì rồi  cũng chuyển đi. Chỉ có người địa phương mới đảm đương lâu  bền được.

Nhìn chị tận tụy với các em người ta cứ ngỡ, với chị, đó là nhu cầu sánh ngang với cơm ăn, nước uống, khí trời để thở. Phải chăng đó là lẽ sống của chị ? Trong báo cáo tổng kết năm học l982-1983, ông Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thẳng đã đọc trước mọi người những dòng về chị thật cảm động: “…như cô Mai ,chiều nay nghe tin cô vào nhà hộ sinh sinh cháu bé, nhưng buổi sáng tôi và các bạn còn nghe giọng cô giảng bài âm vang trên lớp…”

Đến nay xấp xỉ hai mươi năm đi qua, hai mươi năm chị gắn bó với thẻo đất này. Với chị, hai mươi năm dạy học không đơn giản chỉ là hai mươi lần đưa các lứa học trò sang sông. Đó là thời gian để tấm lòng chị căng trải rộng hơn,  như tấm thảm thần kì đến với trẻ thơ. Tấm thảm thần kì ấy đã đưa các em từ nơi góc biển đã từng bị bỏ quên này đến với những phương trời xa rộng. Những “ thằng đen”, “ con dảnh” ngày trước nay đã trở thành thầy cô giáo trở về giảng dạy nơi họ xuất phát ra đi. Đó là thầy Trương Tốt, các cô Hồ Thị Định, Nguyễn Thị Lượn, Võ Thị  Bồng,Trần Thị Hừng, Lê Thị Trí …Họ cùng với chị đem đến cho các em, những thế hệ tuổi thơ sau này nhưng niềm vui như bao miền đất khác. Cái tên chung của cha mẹ, anh chị của chúng ngày trước đã không còn nữa. Giờ đây, mỗi em bé ra đời đều có một cái tên cho riêng mình :Những Đông Mai,Thu Cúc, Xuân Đào, Liên Hạ hay Ánh Nguyệt,Thái Dương…Ôi, từ cái tên của các em đủ làm bừng sáng lên một vùng đất cũ.

Cũng thời gian ấy, chị là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh(1983), tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm khoa Toán, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam(1987), Phó hiệu trưởng và là cộng tác viên thanh tra giáo dục tỉnh Quảng Ngãi(1995), tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ  quản lý giáo dục(1997).

Đến thăm nhà chị, căn nhà không có đồ đạc gì quí giá, nhưng bạn có thể thấy thật nhiều giấy khen về thành tích học tập hằng năm của các con chị. Tại Hội nghị tổng kết ba năm phong trào “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” của tỉnh Quảng Ngãi(1994-1997) chị được tham dự với tư cách một nhân tố tiêu biểu của ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Đức Phổ.Chị được tín nhiệm giao đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học số I Phổ Thạnh từ năm 2000, một trường chuẩn quốc gia với nhiều thành tựu cao quí của ngành Giáo dục-Đà tạo nước nhà.

Nếu như trong cổ tích bà tiên hiền hậu đem đến cho những mảnh đời đau khổ cuộc sống vui, hạnh phúc chỉ là ước mơ, là khát vọng của ngươi xưa, thì hôm nay, chị- một con người phàm trần- đã làm nên sự thật. Tôi không thần thánh hóa về chị. Nhưng tôi nghiệm ra  một điều: Ai không nghĩ rằng  mình là thần thánh thì chính người đó là thần thánh. Cũng như loài rau muống biển, giữa cằn khô và bỏng rát vẫn cứ lên xanh rồi lại trổ ra cho đời những bông hoa ngan ngát tím màu tím hoa xoan. Hoa xoan thì được trồng trong vườn, có người chăm sóc, mỗi năm cho một mùa hoa. Còn rau muống biển, suốt cả cuộc đời là một mùa hoa rộ nở.

(Vũ Ngọc Liêm)

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046