Ngành nghề truyền thống

Cuộc sống khó khăn đã dạy cho con người Sa Huỳnh đức tính cần cù, kiên nhẫn. Họ sinh ra ở một nơi có đồng bằng, có biển, có núi nên họ sinh sống bằng ba nghề chính: làm ruộng, làm muối, đi biển.

Nghề nông là một trong những nghề truyền thống của cư dân Sa Huỳnh. Khắp nơi từ đầu làng đến cuối bản nơi nào cũng có ruộng, có những cánh đồng sát chân núi, có những cánh đồng dọc hai bên đường quốc lộ 1A. Sa Huỳnh được phủ kín một màu xanh non tươi của ruộng lúa.

Ruộng nơi đây mỗi năm làm ba vụ chính: mùa tháng 3, tháng 5, tháng 10. Ngày trước có các giống lúa như: lúa thơm, lúa ba trăng, lúa ngự, lúa chùm,… các giống này hạt gạo thơm, ngon cơm nhưng thời gian gieo trồng lâu và năng suất không cao lại tốn nhiều công sức nên không đáp ứng được nhu cầu về kinh tế nên nhân dân chuyển sang các giống lúa mới cho năng suất cao mà thời gian gieo trồng lại ngắn. Riêng nếp thì có nếp Giáp, nếp ngự, nếp Kim,… là những loại nếp thơm ngon có tiếng.

Nghề nông bao đời nay vẫn là nghề vất vả và nhiều lo toan nhất, từ cây mạ cho đến lúc lúa trổ đòng, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", cực nhọc nhưng cuộc sống nhân dân Sa Huỳnh vẫn vui tươi, đầm ấm, chan chứa tiếng cười. Ngoài đồng lúa, người Sa Huỳnh còn trồng các loại cây ăn quả như: ổi, mận, vú sữa, sapôchê, lêkima (trứng gà), lựu, khế, me mít, chuối, cam, canh, đu đủ,… và nhiều nhất vẫn là dừa. Những hàng dừa xanh rì trĩu quả, vươn thẳng lên trời bất chấp đạn bom của kẻ thù trong những năm tháng chiến tranh ác liệt cũng như những người dân Sa Huỳnh bất khuất, kiên trung. Đất Sa Huỳnh cũng phù hợp với các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: bạc hà, dương liễu, tre, lát, tiêu, chè, mía, đậu,… nên được người dân trồng nhiều để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trước mắt và cũng là tiềm năng để phát triển kinh tế mai sau.

Gian lao, vất vả nhưng nghề nông là như thế nhưng nghề muối cũng chẳng sung sướng gì hơn. Trời nắng gắt là lúc họ làm việc cật lực nhất. Mà cái nắng miền gió lào cát trắng thì không dễ chịu như miền Nam sông nước. Miền Trung nắng đến khô đất cạn nguồn. Nhưng cũng nhờ nắng nhiều cộng với nước biển xanh trong, có độ mặn cao mà Sa Huỳnh nổi tiếng về muối. Hạt muối Sa Huỳnh to, rắn, trắng và mặn mòi. Nổi tiếng nhất là muối ở thôn Tân Diêm - một thôn chuyên làm nghề muối từ lâu đời của xã. Đi ngang nơi đây vào những ngày mùa, từng đống muối, tháp muối, núi muối vun lên cao ngất trắng xoá cả một góc trời bên cạnh những ô ruộng muối phơi mình dưới nắng như thử thách con người. Muối làm ra được các mẹ, các chị gánh ra chợ bán vào những sáng tinh mơ và được chuyển đi khắp các vùng lân cận. Hạt muối trắng ngần đã góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng cho mảnh đất Sa Huỳnh.

Nhưng có lẽ Sa Huỳnh nổi tiếng nhất là nghề biển. Từ thuở "khai thiên lập địa" người dân Sa Huỳnh đã biết đánh bắt thuỷ sản và nó đã trở thành một nghề mang đậm bản sắc văn hoá nơi đây. Sa Huỳnh có điều kiện thuân lời để phát triển nghề biển. cửa biển kín gió, các núi, các hòn ngoài khơi là bình phong chắn gió lại thêm đặc trưng của bãi ngang nên hải sản ở đây rất nhiều và ngon.

Khi mặt trời vừa ló dạng hoặc hoàng hôn vừa buông xuống là lúc cửa biển Sa Huỳnh tấp nập và đông vui. Mọi người náo nức đón ghe về sau một chuyến ra khơi vất vả. và niềm vui của họ rạng ngời trên gương mặt khi những chiếc ghe chở đầy cá tôm. Cá ở đây rất phong phú: cá thu, cá ngừ, cá chuồn, cá mó, cá hồng, cá mú, cá hố, cá chim, cá thóc… Riêng cá mó có tên gọi rất đẹp là cá Nàng Đào, vì thân cá có màu hồng đào, mình cá dẹp, duôi và vây có màu xanh biếc lấp lánh như cá cảnh. Cá này ngày xưa được tiến dâng lên vua nên gọi là cá Ngự. Không chỉ đặc sản cá, biển Sa Huỳnh còn có rất nhiều tôm, mực, ốc, sò,… Có mực ống, mực nang, mực cóc,… tôm sú, tôm tít, tôm rằn, tôm hùm – là các loại tôm quý hiếm. Ngoài ra còn có các loại hải sản quý dùng để chữa bệnh cho con người như: hà mã (cá ngựa), đẳng, … ngâm với rượu trắng sẽ cho một loại thuốc chữa bá bệnh.
Gắn liền với nghề biển bao giờ cũng là nước mắm và nước mắm Sa Huỳnh cũng không kém phần phong phú, có mắm nhỉ, mắm ruốc, mắm mòi, mắm cá cơm, mắm chuồn, mắm ruột (một loại mắm làm bằng ruột cá ngừ) nhưng có lẽ ngon và lạ nhất là mắm nhum. Một thứ mắm màu vàng được làm từ con nhum biển ngon không thua gì mắm nhum xứ Huế.

Nghề biển là nghề chính mang lại sự phồn vình và giàu đẹp cho cư dân Sa Huỳnh. Bởi nguồn lợi nhuận thu được từ biển là không nhỏ so với mức thu nhập bình quân của nơi đây. Nó không chỉ đem lại cuộc sống sung túc cho người dân Sa Huỳnh mà còn trở thành hơi thở, máu thịt của họ. Ngay cả khi chết đi rồi họ cũng muốn hướng về biển để nghe tiếng gió biển rì rào như lời thì thầm tâm sự.

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046