Đam mê cùng… đá

Cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía nam là Sa Huỳnh (thuộc huyện Đức Phổ) – chiếc nôi của một nền văn hóa được biết đến với tên gọi “Văn hóa Sa Huỳnh” khi các nhà khảo cổ học người Pháp đặt chân tới đây từ năm 1909.

Sa Huỳnh – Bù Nú, vài dòng “lai lịch”

Điều đặc biệt ở Sa Huỳnh là có rất nhiều con đường gặp biển. Xuôi về hướng đông, chỉ mất không quá 10 phút đi bộ từ QL 1A, biển sẽ bất ngờ mở ra, thoáng đãng và trữ tình trước mắt bạn. Cảnh quan mà bạn gặp có thể là những nếp nhà bình yên nép dưới rặng dừa, có thể là những con thuyền gối đầu lên bãi ngủ lơ mơ bên hàng thùy dương rủ bóng, cũng có thể là bến tàu náo nức những âm thanh mùa cá rộn vui. Nhưng có một con đường nho nhỏ được “lát” bằng…cát mịn, hai bên là xanh ngắt những cây xương rồng, điểm xuyết những bông hoa hút mật, sẽ dẫn bạn đến một không gian đặc biệt với cơ man những đá cùng đá. “Thế giới” đá với những “bữa tiệc” sắc màu của những loài san hô nơi đây đã và đang làm say lòng du khách. Đó là Bù Nú. Bù Nú là tên một ngọn núi có “cá tính” của dãy Trường Sơn, trên đường xuôi nam thuở lập địa khai thiên đã “nhã hứng” rẽ xuống hướng đông, rồi ở lại với Sa Huỳnh, vĩnh viễn đứng dầm chân trong nước biển. Quanh chân núi là hàng nghìn tảng đá chập chùng, kỳ hình dị dạng, cheo leo và hiểm trở. Có lẽ vì thế nên hiện nay gành Bú Nú vẫn còn đậm chất hoang sơ. Hằng năm, khoảng từ tháng 10 đến tháng chạp ta, anh chàng thất tình số một trong truyền thuyết Việt Nam là “Thủy Tinh” dâng nước lên ngập đến khoảng hai phần ba gành, gào thét, gầm rú chán rồi “rút quân”, để lộ một “rừng” đá lô xô trong ánh mặt trời hân hoan từ đầu  xuân đến cuối thu.

Rặng hoa san hô với những gam màu nhẹ khi nước triều lên

Ngồi với đá nghe… nhân tình thế thái

Du khách đến đây thường là những người thích chơi cùng…đá, muốn thẩm thấu “triết lý” của đá, muốn khám phá sức sống của đá qua những va đập không cùng của sóng. Một cặp trai gái ngồi tựa lưng vào đá, lặng im nghe đá thì thầm, cảm nhận từ đá những huyền thoại tình yêu, để hiểu vì sao lại có núi Vọng Phu, có hòn Trống Mái, để hiểu giá trị đích thực của sự đợi chờ, niềm sắt son, chung thủy. Một người buông câu, ngồi trên đá, bất động như đá, dưới chân là hối hả nhịp triều xao động xuống lên, vẫn thấy lòng bình thản, trầm tĩnh khi ngẫm ra từ đá cái mặc nhiên của thế thái nhân tình. Một người mải mê ngắm tảng đá xanh rêu, mang phong vị thiền, trước cái sôi nổi đến xô bồ của sóng, chợt hiểu ra lời dạy của người xưa: lấy cái tĩnh, cái thư thái, an nhiên để ứng xử với cái động. Ở gành Bù Nú, bạn có thể “hỏi”…gió và nước về sự đổi thay, bởi gió thường biến cải chính mình, còn nước thì luôn luôn dịch chuyển. Nhưng bạn không thể…thắc mắc điều đó với đá, vì đá mang vẻ đẹp cổ điển muôn đời của tạo vật.

Hoa trên đá – những biến tấu sắc màu

Lung linh họa tiết san hô khi triều lên nhẹ, dát lên tảng đá một làn nước mỏng

Ai đã từng yêu thơ Bà Huyện Thanh Quan đều không thể quên một câu viết về đá trong bài “Thăng Long thành hoài cổ”: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhưng xin mạo muội được “phản biện” một chút khi đứng giữa những biến tấu sắc màu của đá trên gành Bú Nú. Đá nơi đây không “trơ gan”, không chai lì, không đơn điệu mà là một thứ đá sống động, biết sinh sôi nảy nở. Không khó để nhận ra điều này khi bạn len lỏi ra sát mé gành, ngắm những đóa “thạch hoa” lung linh, không bao giờ tàn trên nhiều tảng đá nửa chìm nửa nổi. Đó là những “họa tiết” san hô điệu đà, làm dáng làm duyên, phô những đường cong thanh tú, tràn trề nữ tính với bao nhiêu sắc màu rực rỡ. Hoa không “nở” trên cành mà “nở” ngay trên thân đá xù xì làm…mềm lòng những ai từng nghĩ “cứng” về đá. Hoa gợi cảm nhất, huyền ảo nhất là lúc triều lên nhẹ, tráng qua từng tảng đá một làn nước trong vắt, mỏng tang. Khi ấy, hoa san hô long lanh, ẩn hiện, lay động, chờn vờn, lấp lánh những gam màu lao xao qua mặt nước, khêu gợi trong hồn du khách những cảm giác lâng lâng trong tận cùng của đam mê và quyến rũ. 

(Bài và ảnh: Trần Cao Duyên)

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046