Những nụ cười ngày 30 Tết

30 Tết mọi năm vẫn thường lang thang ngắm sự tất bật của phiên chợ cuối năm, ngắm chợ hoa chỉ còn vài chậu, ngắm tàu bè đã đậu ngăn nắp trong bến bãi, ngắm vài anh thanh niên sửa soạn cho buổi tụ tập trước giao thừa, … Năm nay Hội đồng hương Sa Huỳnh có tổ chức đi thăm 10 gia đình khó khăn, neo đơn thế là háo hức tham gia ngay. Tập trung ở UBND xã rồi bắt đầu đi từ khu vực Thạnh Đức II, phải công nhận sự hỗ trợ khá tốt từ UBND xã Phổ Thạnh, đi với nhóm trong suốt cả buổi là anh Thái phó chủ tịch rồi mỗi khi đến 1 địa bàn nào đó thì luôn có người được phân công sẵn để dắt đến từng hộ gia đình.


Là trụ cột gia đình anh bất chợt ngã bệnh, giờ đi lại khá khó khăn. Mong anh sẽ sớm khỏi bệnh để tiếp tục là trụ cột của gia đình.


Cụ đi lại khá khó khăn, qua câu chuyện thì người con gái của cụ cũng đã lớn tuổi, đang bị bệnh nhưng sáng 30 vẫn còn mò cua bắt ốc đâu đó ở ngoài sông.


Ngày 30 Tết tàu bè đã vào cả trong bến, tàu nào cũng cắm cờ tổ quốc. Là người Sa Huỳnh chính gốc nhưng không nhớ đi qua khu vực Thạnh Đức I này được mấy lần, chắc là một vài lần. Bây giờ đường xá thuận tiện quá, từ đây chỉ cần chạy xe máy 15-20 phút là đến chợ Sa Huỳnh.


Biển Thạnh Đức I vẫn còn hoang sơ, để đi đến hộ kế tiếp phải để lại xe máy ở ngoài đường lớn (cũng chẳng cần ai coi ngó vì theo anh cán bộ thôn thì có mất đâu mà coi) và lội bộ. Không biết từ lúc nào thì người dân ở đây trồng dứa ven biển nhưng giờ thì cây nào cũng to, có lẽ hàng dứa dọc biển này là phần quan trọng che gió mưa cho làng trong những ngày bão.


Nhà anh chị nằm phía sau những hàng dứa, nhà nhỏ chẳng có vật dụng gì đáng giá, nền nhà tráng xi măng, góc nhà được tô điểm bởi chừng 10 viên gạch bông là nơi đặt cái tủ nhỏ, miếng nệm ở góc phòng cũng được tận dụng để khách ngồi.


Và đi tiếp. Nơi đây chẳng thiếu cát, dứa và cây gai xương hùm.


Nhà của cô nằm gần cầu Tân Diêm, cách đó vài trăm mét là khu vực dân cư phát triển có lẽ là nhanh nhất ở Sa Huỳnh, nhà cửa, hàng quán mỗi năm mỗi nhiều lên và to hơn.


Hết biển ta lại về với đồng lúa.


Căn nhà lụp xụp, giàn mướp và bầy vịt xiêm làm mình nhớ tới bài hát “Về đi em” của Trần Tiến.


Cụ là người có lẽ là những người trong nhóm nhớ nhất. Vẫn còn sự hoạt bát cụ cứ đòi phát biểu trước, “Cảm ơn Đảng, cảm ơn nhà nước, cảm ơn UBND xã, …”. Cả buổi sáng 30 Tết không lúc nào không thấy những nụ cười.


“A nhà bán bánh bèo ngày xưa hay ăn đây mà, sao bây giờ không còn bán nữa?”, “Cụ đã già và bây giờ phải nằm một chổ rồi”.


Gia đình thứ 2 có  hoàn cảnh mẹ già yếu và cô con gái thì cũng chẳng còn trẻ nữa.


Mẹ đi vắng nhà chỉ còn 2 chị em, cậu con trai bị bệnh nhưng nghe nói chụp hình thì vui lắm, cứ đứng làm dáng cho chụp.

Trước khi đi mình dự kiến chỉ chừng 1h là có thể đi hết 10 hộ, nhưng vừa đi bằng xe máy, vừa đi bằng ô tô thì mất hơn 3h mới đi hết 10 hộ. Sa Huỳnh mình phát triển nhanh thật nhưng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn quá, mong rằng sang năm Hội đồng hương sẽ có được thêm nhiều ủng hộ hơn nữa để chương trình ý nghĩa này được mở rộng thêm.

Bài và ảnh: Mai Thanh Chi

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046