Cậu bé ve chai mơ làm thầy giáo dạy tiếng Anh

Cha mẹ lần lượt qua đời trong một năm, khi Bùi Chí Trung (học sinh lớp 7/2, Trường THCS Phổ Thạnh) mới tròn 6 tuổi. Từ TP. Hồ Chí Minh, cậu bé được bà ngoại dắt về quê nuôi. Suốt bảy năm qua, cậu bé lớn lên cùng những ngày theo bà nhặt ve chai kiếm sống.

Số phận bất hạnh ám lên khuôn mặt cậu bé một nét buồn phảng phất, nhưng khuôn mặt ấy vẫn sáng lên vẻ lạc quan yêu đời, với đôi mắt thông minh. Trung nói tiếng Anh rất cừ và đã đạt được nhiều giải thưởng, khiến các bạn học đều thán phục.


Trung phân loại ve chai cùng bà. Ảnh: Hiền Linh.

Mười mét vuông, hai bà cháu
 
Làng biển Thạch Bi II, xã Phổ Thạnh nổi tiếng là làng chài tỉ phú, với những ngư dân thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm, nhà cao cửa rộng. Nhưng ở một góc của nó, có một ngôi nhà vỏn vẻn chỉ 10m2, đó là nơi Trung sống cùng bà.
 
Buổi trưa nóng hừng hực, hai bà cháu dọn ra một nồi canh chua. Bà bảo cá này con dâu cho, chỉ có trái cà chua và lá thơm bà mới mua lúc sáng. Mấy hôm nay, bà trở mình đau nhức, bệnh tuổi già, chẳng biết khi nào “về trời”, về rồi bỏ cháu cho ai. 
 
“Ngoại ăn đi ngoại”, Trung nói bằng giọng miền Nam lơ lớ. Bà nuốt mấy ngụm cơm khó nhọc, cháu ăn được vài chén chẳng còn thấy ngon.  
 
Bà Phạm Thị Trang, ngoại Trung năm nay đã 79 tuổi, có bảy người con,  giờ chỉ còn sáu. Chẳng biết chồng bà đặt tên cô con gái sao buồn thế: Phạm Thị Hòa Đời, để rồi cái tên ám vào cô số phận ngậm ngùi.
 
Trung nhớ lại những kí ức ngày còn cha mẹ ở TP. Hồ Chí Minh. Khi em vào lớp 1 được mấy tháng, ba mẹ đã dành dụm được một số tiền để xây ngôi nhà ở quê nội. Nhà xây xong thì ba mẹ lần lượt bỏ em đi. Bà ngoại chỉ giải thích theo kiểu người già: “Do làm nhà không có coi ngày, tui nói rồi mà nó hổng nghe”.
 
Chiều hôm ấy có hai môn thi cuối kì, Trung về nhà đã thấy cơm chiều bà đợi sẵn. May quá, cơn mưa giông đã tạnh kịp thời, Trung ngồi vào bàn học, lấy điện thoại canh giờ đến 19 giờ 30 phút, đó là giờ em bắt đầu đi nhặt ve chai. 


Bữa cơm đạm bạc của hai bà cháu trong ngôi nhà 10m2. Ảnh: Hiền Linh.

Ước mơ làm thầy giáo dạy tiếng Anh
 
Cái điện thoại Samsung nhỏ xíu nhưng màn hình canh giờ chật kín với thời khóa biểu rất “bận rộn”, 4 giờ 30 phút là lúc em thức dậy mỗi ngày.
 
Trung bật một bài hát tiếng Anh, Together as one. Em bảo đó là bài hát em thích nhất, rồi cất giọng theo: “Finding the courage inside of you/Just close your eyes and believe- Hãy tìm kiếm lòng quả cảm bên trong bạn/ Chỉ cần nhắm mắt lại và tin tưởng”.
 
Trung yêu thích nhất môn tiếng Anh, em đã bộc lộ năng khiếu với môn học này từ năm lớp 3. Năm đó, vì gia đình không có điều kiện nên em đã bỏ lỡ kì thi Olympic tiếng Anh trên mạng. 
 
Đến năm lớp 4, cô giáo Lê Thị Hồng Huệ nhận thấy năng khiếu đặc biệt của Trung đã đưa em đến học miễn phí ở lớp tiếng Anh của cô. Và quả ngọt mà hai cô trò thu về là giải nhất Olympic tiếng Anh trên máy tính cấp huyện, giải ba Olympic tiếng Anh trên máy tính cấp tỉnh.
 
Những năm sau, Trung tiếp tục duy trì phong độ với nhiều bằng khen, giải thưởng. Trong năm học này, Trung vừa đạt giải 3 học sinh giỏi cấp huyện với môn tiếng Anh. 
 
Nhiều thầy cô tò mò về Trung, càng bất ngờ hơn khi biết được hoàn cảnh của em, bởi môn tiếng Anh vẫn được thường được quan niệm phải là con nhà “có điều kiện” mới giỏi được. Vậy mà cậu bé vẫn lập nên kì tích.
 
Trước giờ nhặt lon bia, Trung bóp chân cho bà ngoại. Hai bà cháu rù rì thủ thỉ, không biết mai mốt bà không còn, mấy dì mấy cậu có thương cháu như vậy không? 
 
Một ngày nhặt được gần trăm lon bia, đổi lấy hai chục nghìn, Trung bảo ngoại mua thức ăn ít thôi để còn bỏ hủ. “Mai mốt con học xa, để có tiền đi xe buýt”, bà ngoại cười khoe đứa cháu ngoan. Trung thổ lộ, em muốn làm thầy giáo tiếng Anh để truyền đạt những kiến thức bổ ích cho học trò.


Trung có năng khiếu đặc biệt với môn tiếng Anh, em vẫn miệt mài đến trường để thực hiện
ước mơ trở thành thầy giáo. Ảnh: Hiền Linh.


Tôi theo chân Trung trên đường nhặt ve chai. Sau cơn giông, những quán nhậu ven cảng cá Sa Huỳnh lẹp nhẹp nước. Cậu bé dựng chiếc xe đạp cũ rồi cầm cái bao lò dò bước tới.  
 
Những người đàn ông đang chén tạc chén thù ở đây điều biết mặt Trung, nhưng cậu bé vẫn có chút bẽn lẽn: “Chào các chú. Các chú cho con lượm lon nha”. 
 
Sau cái gật đầu đồng ý, cậu bé cuối xuống bàn lượm từng lon bia rơi vãi trên nền đất ướt nhẹp. “Con cảm ơn”, cậu nói rồi bước ra, tiếp tục lên đường đạp xe đến quán khác.
 
Không phải ai cũng chào đón cậu, nhưng Trung vẫn cười, gạt nỗi thất vọng qua một bên. Bóng đèn chiếu xuống cái dáng nhỏ của em, đổ một bóng dài trên mặt đường loang loáng nước. 
 
Trung đạp xe về nhà khi đã đêm đã về khuya, cái bóng nhỏ của em xa dần trong đêm, lời bài hát Together as one vọng lại: “Finding the courage inside of you/Just close your eyes and believe- Hãy tìm kiếm lòng quả cảm bên trong bạn/ Chỉ cần nhắm mắt lại và tin tưởng”.
 
Hiền Linh

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046